Kinh tế vĩ mô

TS.Cấn Văn Lực: “Tôi khá bất ngờ khi GDP quý III giảm sâu 6,17%”

Từng dự báo GDP quý III chỉ giảm 2% nhưng kết quả cho thấy mức giảm là 6,17%, song TS.Cấn Văn Lực vẫn tin mục tiêu đạt 3 - 3,5% cả năm là hoàn toàn có cơ sở.

Sáng nay (29/9), Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Trong các khu vực kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, còn khu vực dịch vụ giảm tới 9,28%. Kết quả này khiến GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 và cũng là mức thấp nhất trong hơn thập kỷ gần đây.

Theo nhận định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả này là do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Đánh giá về chỉ số tăng trưởng GDP trong quý III/2021, trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tỏ ra khá bất ngờ với kết quả do Tổng cục Thống kê công bố.

“Công bố của Tổng cục Thống kê khác biệt lớn so với những dự báo của chúng tôi. Tôi khá bất ngờ và cũng không nghĩ là GDP quý III giảm sâu đến mức 6,17% như vậy”, ông Lực nói.

Nhắc lại phiên họp với Chủ tịch Quốc hội ngày 27/9 vừa qua, TS.Cấn Văn Lực cùng nhóm nghiên cứu ước dự báo tăng trưởng GDP quý III có thể âm khoảng 2%. Ông cho rằng, nếu GDP quý III âm thì đây là lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm.

Với kết quả công bố ngoài dự báo của Tổng cục Thống kế, TS.Cấn Văn Lực nhìn nhận: “Chứng tỏ tác động của đại dịch, nhất là làn sóng thứ 4 đối với nền kinh tế Việt Nam là rất nghiêm trọng. Điều này đặt ra một bài toán đòi hỏi chúng ta phải thay đổi mô hình chống dịch, có cách thức mở cửa nền kinh tế phù hợp và có lộ trình”.

TS.Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo ông Lực, nếu như không thay đổi và không mở cửa nền kinh tế theo lộ trình, thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mọi mặt kinh tế của xã hội, ngay cả tiềm lực để chúng ta có thể phòng chống dịch.

Song, theo đánh giá của vị chuyên gia này, để đạt được mục tiêu GDP cả năm 2021 là 3-3,5% vẫn khả thi và cũng cần nỗ lực rất lớn từ cả hệ thống.

“Chúng ta mong muốn và đang phấn đấu để GDP năm nay đạt từ 3-3,5%. Với mong muốn ấy, thì rõ ràng, quý IV phải nỗ lực rất nhiều. Tôi cho rằng, quý IV cũng phải tăng trưởng từ 6-7% thì chúng ta mới có thể bù đắp lại kết quả giảm sâu của quý III”, ông nhấn mạnh và lưu ý, mức tăng trở lại của GDP quý IV phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vắc-xin cũng như cho phép mở cửa nền kinh tế và việc chống dịch theo mô hình mới thực thi hiệu quả.

Đánh giá về những lĩnh vực đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, TS.Cấn Văn Lực nói về bệ đỡ quan trọng ở thời điểm hiện nay và 3 tháng cuối năm. Theo đó, ông đánh giá ngành nông nghiệp với mức tăng trưởng hơn 2% là rất tích cực, cùng với đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ở mức khá, đạt 6,05%.

Mức tăng trở lại của GDP quý IV/2021 phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vắc-xin.

Còn hai ngành chịu tác động mạnh nhất và tăng trưởng xấu nhất chính là lĩnh vực xây dựng và dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ giảm sâu là điều dễ hiểu vì việc phòng chống dịch bệnh, giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại 25 tỉnh, thành phố trong đó gồm cả hai đầu tàu kinh tế lớn cả nước là Hà Nội, Tp.HCM... đã ảnh hưởng, tác động trực diện tới các ngành sản xuất, dịch vụ khiến mức tăng trưởng âm.

“Nếu chúng ta quyết định mở cửa nền kinh tế phù hợp từ quý IV thì những lĩnh vực như dịch vụ, xây dựng chịu tác động mạnh trong thời gian qua được dự báo bật lên tương đối nhanh và mạnh. Đó sẽ trở thành một trong những động lực quan trọng để nền kinh tế sớm phục hồi”, ông Lực lưu ý.

Đồng quan điểm, TS.Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế cả năm vẫn có thể đạt 3- 4% nếu trong quý IV/2021, doanh nghiệp có thể quay trở lại để phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát, vắc-xin cũng đã được tiêm chủng rộng rãi.

Theo ông Thành, chương trình phục hồi kinh tế phải bao gồm cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, đầu tư, hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, lao động, chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng…

TS.Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Các vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh việc trong quý IV, sức bật trở lại của doanh nghiệp khi kinh tế mở cửa là có cơ sở khi các điều kiện cơ bản được đảm bảo.

Trong đó, việc mở cửa có lộ trình và thay đổi phương thức chống dịch ở trạng thái bình thường mới, nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin. Tiếp đến là các gói hỗ trợ hiện tại và các gói bổ sung tiếp theo nếu có thì cần triển khai đến tay doanh nghiệp và người lao động nhanh chóng.

Yếu tố quan trọng hơn cả là bản thân doanh nghiệp và người lao động phải hết sức nỗ lực, cố gắng đồng tâm, đồng lòng. Tất cả điều kiện đều đòi hỏi từ cả hai phía cung - cầu, từ cả Nhà nước và doanh nghiệp, cả chính quyền địa phương.