Xu hướng thị trường

Truyền hình cáp "đã chết": Người dùng mê đắm Netflix, Disney +

Việc Disney đóng cửa 13 kênh truyền hình được coi là hồi cáo chung cho truyền hình cáp. Các dịch vụ trực tuyến như Netflix, Disney + đang trở thành xu thế mới.

Disney + đang có hơn 100 triệu người dùng.

Dịch vụ trực tuyến lên ngôi

Disney đang tiến hành đóng cửa 13 kênh truyền hình ở Đông Nam Á và Hồng Kông để phát triển nền tảng nội dung trực tuyến OTT.

Tuyên bố của tập đoàn như lời xác nhận truyền hình cáp đã chết. Vấn đề chỉ là thời gian, theo CNA.

Nền tảng phát trực tuyến Disney + ra mắt vào năm 2019 tại Mỹ, Canada và Hà Lan. Sau 2 năm, dịch vụ đã có ghi dấu ấn trên toàn cầu, với màn ra mắt tại Singapore vào ngày 23/2, bệ phóng cho kế hoạch xa hơn được vạch ra cho khu vực Đông Á và Đông Âu.

Vượt mốc 100 triệu đăng ký trả phí toàn cầu chỉ trong 16 tháng kể từ khi ra đời, sự xuất hiện của Disney + là minh chứng một hệ sinh thái truyền thông đang chuyển mình nhanh chóng.

Mô hình truyền thống thường chứng kiến mối quan hệ hai bên giữa người tiêu dùng và các nhà cung cấp nội dung, trung gian là các nhà phân phối. Nhưng ranh giới này đã bị xóa mờ gần như hoàn toàn.

Các nhà sản xuất nội dung đình đám thời gian qua như Disney +, Netflix và Viu, cung cấp dịch vụ và nội dung trực tiếp đến người đăng ký một cách riêng biệt mà không cần phụ thuộc vào doanh nghiệp truyền hình cáp.

Sự thay đổi càng được thúc đẩy nhanh hơn bởi dịch COVID-19 khi nhu cầu giải trí tại nhà gia tăng.

Theo công ty phân tích dữ liệu DoubleVerify, mức tiêu thụ nội dung trực tuyến toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, từ mức trung bình khoảng 3 giờ lên 7 giờ mỗi ngày.

Cắt cáp

Các kênh Fox của Disney sẽ ngừng hoạt động ở Đông Nam Á.

Dịch vụ OTT về cơ bản là hình thức truyền nội dung qua các nền tảng Internet đến người dùng, trong khi truyền hình cáp cung cấp nội dung video và âm thanh thông qua đường cáp, tới hộp giải mã chuyên dụng.

Hạn chế của dịch vụ OTT liên quan đến kết nối, thời gian tải lâu và chất lượng video. Nhưng các vấn đề này đã được giải quyết trong những năm gần đây với sự phát triển vượt trội của công nghệ băng thông, mạng cáp quang và sự hứa hẹn từ mạng 5G cho các thiết bị không dây.

Người dùng giờ đây có xu hướng cắt cáp để chuyển sang các nguồn cung cấp nội dung mang tính di động và đáp ứng linh động theo yêu cầu.

Các mạng truyền hình trả tiền như HBO cũng tung ra nền tảng OTT như dịch vụ HBO Go để phục vụ các khách hàng không đăng ký cáp.

Xu hướng này cũng trở nên phổ biến ở Singapore. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Toàn vẹn Thông tin và Internet, có 39,2% người được hỏi đăng ký trả phí truyền hình cáp (như Mio TV và Starhub) trong khi 44,5% người được hỏi có các dịch vụ nội dung trực tuyến (như Netflix, Viu).

Đáng chú ý hơn, một ngày nhóm truyền hình cáp sử dụng trung bình khoảng 2 giờ 45 phút, trong khi con số này là khoảng 3 giờ 20 phút đối với những người sử dụng các trang web phát trực tuyến.

Sự thu hút của dịch vụ phát trực tuyến đến từ phí đăng ký rẻ, đa dạng chương trình, cài đặt dễ dàng và sự tiện dụng khi có thể xem theo sở thích ở bất kỳ đâu.

Dịch bệnh khiến nhiều người ở nhà đã khiến các dịch vụ phát trực tuyến có thêm cơ hội quảng bá đến người tiêu dùng. Báo cáo của The Trade Desk năm 2020 ghi nhận 33% số người được hỏi có kế hoạch duy trì hoặc tăng mức chi tiêu cho các dịch vụ OTT sau khi dịch bệnh qua đi.

Người dùng hưởng lợi

Dịch vụ nội dung trực tuyến đang thay thế truyền hình cáp truyền thống.

Những lý do trên lý giải vì sao Disney từ bỏ các kênh truyền hình gây dựng danh tiếng trong nhiều năm để phát triển dịch vụ phát trực tuyến.

Thời điểm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại cũng chứng kiến những thương vụ có thể hợp nhất như Amazon và MGM.

Công ty viễn thông hàng đầu nước Mỹ AT&T dường như sẽ hợp nhất các tài sản trong khối WarnerMedia, bao gồm HBO và CNN, Discovery Inc. Thỏa thuận này, nếu được thông qua, sẽ đưa công ty mới trở thành nhà cung cấp nội dung lớn nhất trên thế giới, đối đầu với Netflix, Amazon, Apple và Disney.

Người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này sau cùng vẫn là người tiêu dùng. Sự ganh đua mang đến nhiều lựa chọn, từ giá cả đến nội dung, tính tiện lợi và đa dạng.

Như Bob Chapek, giám đốc điều hành Walt Disney từng tuyên bố, thành công to lớn của Disney + - khi vượt mốc 100 triệu người đăng ký - đã truyền cảm hứng cho công ty đầu tư hơn nữa vào phát triển nội dung chất lượng cao.

Trong khi đó, với 71 phim dự kiến ​​phát hành vào năm 2021, Netflix tập trung vào mục tiêu “tạo ra nội dung ở nhiều nơi trên thế giới và phát nội dung đó trên toàn thế giới”, theo đồng giám đốc điều hành Ted Sarandos.

Với hơn 80 bộ phim và chương trình của Hàn Quốc được đăng tải trên kho nội dung, Netflix đang đi đúng hướng.

“Dịch vụ trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người tiêu dùng ở Singapore”, Amit Malhotra, trưởng khu vực các thị trường mới nổi tại The Walt Disney Company Châu Á - Thái Bình Dương, nói với CNA.

"Sự phát triển của hình thức phát trực tuyến để thay thế truyền hình tuyến tính trên toàn thế giới là xu hướng không thể phủ nhận trong ngành giải trí", giám đốc tài chính của Netflix, Spencer, đồng tình.