Sức khỏe

Truyền gần 5 lít bia cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu: Người dân không tự ý làm theo!

Thông tin truyền 5 lít bia vào cơ thể người đàn ông để giải ngộ độc rượu đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cách cấp cứu này chỉ thực hiện trong bệnh viện và trong hoàn cảnh cấp cứu hồi sức của bác sĩ chuyên khoa hồi sức chống độc mới làm được.

Mới đây, để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu, bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng gần 5 lít bia truyền vào đường tiêu hóa bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị). Theo đó, bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol có trong rượu.

Thông tin bệnh nhân ngộ độc rượu, được cứu sống bằng việc truyền 5 lít bia vào cơ thể nhận được sự quan tâm của dư luận.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Bia bản chất là rượu loãng có nồng độ 4,5-5%. Cách cấp cứu này cũng đúng, nhưng chỉ trong bệnh viện và trong hoàn cảnh cấp cứu hồi sức của bác sĩ chuyên khoa hồi sức chống độc mới làm được. Việc xác định bệnh là do bác sĩ chẩn đoán, sau đó điều trị theo phác đồ, có tính toán, có liều lượng theo cơ sở khoa học. Người dân tuyệt đối không tự làm theo, bắt chước theo có thể gây nguy hại”.

Thông tin truyền 15 lon bia cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu ở Quảng Trị thu hút sự chú ý.

Cũng trao đổi thêm với PV về việc dùng bia để cấp cứu, bác sĩ Anh Tú (bác sĩ đa khoa tại một phòng khám ở Hà Nội) cho hay: “Để cấp cứu bệnh nhân trong trường hợp ngộ độc rượu, bác sĩ cần khám xác định nếu bệnh nhân ngộ độc Methanol thì sẽ dùng chính rượu để giải độc, gọi là trì hoãn quá trình chuyển hóa cồn Metylic. Bởi, Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, có nguy cơ tử vong.

Bia có nồng độ Etanol 3-5% tương tự rượu thông thường, trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân ở Quảng Trị, bác sĩ có thể tận dụng bia để tiết kiệm thời gian, không cần pha.

Thường, để làm chậm quá trình chuyển hóa Metylic, bác sĩ sẽ dùng rượu nồng độ thấp và phải pha loãng theo đúng tỉ lệ, tiếp đó bác sĩ sẽ đặt ống thông dạ dày để truyền bia qua ống thông này, truyền chậm để làm chậm quá trình chuyển hóa cồn Metylic cho bệnh nhân có thời gian lọc máu, lọc mạch, thải Metylic ra ngoài. Trong trường hợp cấp cứu khẩn, có thể tận dụng bia vì bia có nồng độ cồn cố định như đã nêu ở trên”.

Thông tin trên báo chí, ngày 25/12, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Trước đó, trong tiệc mừng Giáng sinh, ông Nhật cùng một số người uống rượu. Sau khi về nhà, ông Nhật cùng 3 người khác là Nguyễn Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và Lê Văn Xược xuất hiện các biểu hiện bất thường.

Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị phối hợp các cơ quan liên quan lấy các mẫu bệnh phẩm để phân tích. Kết quả cho thấy, hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật được chẩn đoán bị ngộ độc Methanol có trong rượu, để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền ba lon bia tức 990 ml vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân dần bình phục, tỉnh táo. Ngày 9/1, ông Nhật đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Nguyễn Ánh