Sức khỏe

Truyền 15 lon bia cứu bệnh nhân ngộ độc rượu: Bộ Y tế lên tiếng

Theo bộ Y tế, truyền bia để giải ngộ độc rượu không phải là phương pháp mới. Đây chỉ là một giải pháp “câu giờ” để can thiệp một cách đặc hiệu tích cực hơn bằng việc lọc máu.

Ngày 10/1, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị xác nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) bị ngộ độc rượu nặng hiện đã hồi phục sau khi nằm điều trị tại bệnh viện. Để cứu bệnh nhân Nhật, các bác sĩ đã dùng đến 15 lon bia truyền vào cơ thể bệnh nhân để giải độc.

Bệnh nhân ngộ độc rượu hiện đã phục hồi, nằm điều trị tại bệnh viện.

Bộ Y tế lên tiếng về phương pháp truyền bia để giải ngộ độc rượu

Đại diện của cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế thông tin với Vietnamnet, đây không phải là phương pháp mới. Từ năm 2015, bộ Y tế đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trong đó có ngộ độc rượu methanol.

Trong đó ngoài lọc máu, tăng thải trừ chất độc, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch... phác đồ chỉ rõ cần dùng thuốc giải độc đặc hiệu gồm ethanol và fomepizole. Khi truyền 2 chất này sẽ cản methanol chuyển hoá thành các chất độc axit formic và format, methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.

Ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc.

Ethanol hoặc fomedizole nên được dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể.

Cách dùng ethanol đường uống: Dùng rượu ethanol đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%), sau đó pha rượu thành nồng độ 20% (1ml chứa 0,16 gram ethanol).

Liều ban đầu: 800 mg/kg (4ml/kg), uống (có thể pha thêm đường hoặc nước quả) hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày.

Liều duy trì: Người không nghiện rượu từ 80 - 130 mg/kg/giờ (0,4 đến 0,7ml/kg/giờ), ở người nghiện rượu dùng 150 mg/kg/giờ (0,8 mL/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.

Liều dùng duy trì trong và sau khi lọc máu: 250 đến 350 mg/kg/giờ (1,3 đến 1,8 mL/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.

Lưu ý, việc cho uống, truyền ethanol để giải rượu chỉ áp dụng cho các trường hợp ngộ độc methanol. Nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (bia, rượu gạo) thì người bệnh càng trầm trọng.

Người dân không nên hiểu nhầm uống bia để giải độc rượu

Trước thông tin trên, nhiều người lại hiểu rằng có thể uống bia để giải độc rượu. BS. Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai) thông tin với baotintuc.vn, cách hiểu trên là không đúng và suy nghĩ như vậy rất nguy hiểm.

BS. Lương Quốc Chính cho biết: Dùng gần 5 lít bia truyền vào dạ dày kết hợp việc lọc máu để cứu bệnh nhân ngộ độc rượu nguy kịch là một giải pháp “câu giờ” để can thiệp một cách đặc hiệu tích cực hơn, bệnh nhân sống được là nhờ lọc máu. Trường hợp này là bệnh nhân ngộ độc rượu có chứa Methanol (cồn công nghiệp rất độc).

Chất Methanol vẫn tồn tại trong cơ thể chưa được đào thải ra thì vẫn có nguy cơ ngộ độc. Vì vậy khi đưa chất ethanol (có trong bia, rượu uống được) vào cơ thể, chất này sẽ tranh chấp với Methanol, đồng thời thẩm tách để loại trừ Methanol ra khỏi cơ thể.

Việc sử dụng ethanol để giải độc methanol đã được sử dụng cấp cứu trong trường hợp nguy cấp trên, nhưng không thể coi là một giải pháp, bởi vì nếu dùng rượu không kiểm soát thì dù có đổ đầy rượu vào thì vẫn chết người nếu không lọc máu. Vì vậy, người dân không nên hiểu nhầm việc uống rượu xong có thể uống bia để giải độc.

Cũng theo BS. Lương Quốc Chính, điều trị ngộ độc rượu phải bằng cách phát hiện sớm và lọc máu. Đây là giải pháp duy nhất để cứu người bệnh, nhất là những trường hợp bệnh nhân ngộ độc nặng. Đặc biệt, nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (bia chẳng hạn) thì người bệnh càng trầm trọng, nhưng nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) mà cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc.

>>>Xem thêm: Bác sĩ kể lại ca cấp cứu ngộ độc rượu bằng cách truyền 15 lon bia

Phong Linh (tổng hợp)