Xu hướng thị trường

Truy xuất nguồn gốc nông sản: Làm sao để vài cú nhấp có thể hoàn thành?

Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, về cơ bản là để phục vụ yêu cầu của người mua và giao diện thân thiện, dễ sử dụng với người dùng trên nền tảng số.

Nền tảng cho sản xuất và lưu thông 4.0

Chia sẻ tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt” được tổ chức ngày 22/3, Thứ trưởng Bộ KH&CN, TS. Lê Xuân Định cho biết, trong nền kinh tế số, thông tin về sản phẩm hàng hóa từ sản xuất, phân phối cho đến tiêu thụ đều được theo dõi đến từng bước nhỏ nhằm phản ánh toàn bộ các yếu tố liên quan.

Nguồn thông tin này có thể được sử dụng vào rất nhiều việc, trong đó có việc tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, dự báo và tuân thủ các quy định xuất nhập khẩu.

“Hay nói cách khác, truy xuất nguồn gốc vào hoạt động này là nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế 4.0”, ông kết luận. 

TS. Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, đáp ứng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc cách mạng CN 4.0 và tác động bởi đại dịch Covid. Chuyển đổi số được xác định là giải pháp và xu hướng tất yếu của các đơn vị sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh để hồi phục sau đại dịch.

Do đó, truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị nông sản của các địa phương, đặc biệt, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.

Đại diện Bộ KHCN thông tin thêm, đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13 và bổ sung Nghị định 74 năm 2018, bổ sung quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá trong trách nhiệm QLNN thuộc Bộ KH&CN.

Với nhiệm vụ được giao, Bộ KHCN đã chủ động lên kế hoạch và triển khai Đề án, đồng thời, lấy trọng tâm là xây dựng Cổng thông tin truy xuất sản phẩm, hàng hoá Quốc gia, đảm bảo kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc, số hoá các chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nông sản.

Hành trình không thể đi một mình

Tuy nhiên, để tối ưu hoá và thực hiện toàn diện vấn đề này, Bộ KHCN không thể “đơn độc" hoàn thành. Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, với hệ thống Truy xuất nguồn gốc iTrace247 do Bộ Công Thương phát triển, hiện tại đã sẵn sàng trở thành một phần của Cổng 100 của Bộ KHCN.

Qua đó, nhằm cung cấp thông tin tới bộ phận đông đảo doanh nghiệp, để cùng phối kết hợp triển khai được quá trình này một cách hiệu quả và sâu rộng. 

Bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương (Ảnh: Liên minh HTX Việt Nam)

Mặt khác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, về cơ bản là để phục vụ yêu cầu của người mua, những nhà nhập khẩu bởi họ luôn cần tính minh bạch trong thông tin sản phẩm. “Nếu họ cần thông tin cụ thể đến đâu, thì phần mềm truy xuất của ta phải thực hiện, đáp ứng được thông tin đến đó”, bà nhấn mạnh.

Lấy ví dụ như thị trường Nhật Bản, khách hàng đặc biệt quan trọng chú ý đến nhật ký vùng trồng. Theo đó, các ứng dụng nên được thiết kế riêng biệt theo từng sự quan tâm của khách hàng, bản thân Cục Xúc tiến Thương Mại cũng đã đưa ứng dụng sang thí điểm tại Nhật Bản bằng tiếng Nhật với các sản phẩm nông sản, trái cây từ Hưng Yên, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương và nhận được những tín hiệu đáng mừng.

Bà cho biết thêm, phiên bản 2.0 của ứng dụng này đã hoàn thành, được cải tiến hơn sau thời gian thí điểm giai đoạn 1, trong thời gian tới sẽ được giới thiệu tới không chỉ doanh nghiệp mà còn đối với tất cả tổ chức về cung ứng dịch vụ truy xuất nguồn gốc khác để cùng phối hợp và triển khai hoạt động thật tốt.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số trong lưu thông hàng hoá cũng sẽ là một bước tiến cần có cho các sản phẩm nông sản tại Việt Nam, cụ thể là Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

Kết cấu Hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số, Bộ Công Thương

Hệ sinh thái hay nói cách khác là kết cấu hạ tầng mềm trong Thương mại do Chính phủ đầu tư, phát triển gồm các nền tảng cơ bản dùng chung cho nền kinh tế như Hội chợ, triển lãm số, kết nối giao thương thông minh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM, tư vấn - huấn luyện trực tuyến… Đặc biệt, liên quan đến những tiêu chí trong hoạt động thương mại và xuất khẩu hàng hoá như truy xuất nguồn gốc cũng sẽ được tích hợp trong hệ sinh thái này.

Về điều này, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, khi phát triển ứng dụng, điều ưu tiên chính là giao diện thân thiện và dễ sử dụng với người dùng, để các doanh nghiệp, tổ chức hoàn toàn có thể triển khai hoạt động xúc tiến thương mại ngay trên môi trường số một cách thuận tiện và hiệu quả nhất, chỉ với vài cú nhấp.

Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản Việt” được tổ chức ngày 22/3, với sự tham gia của các chuyên gia từ Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng nông sản.

Sự kiện nhằm chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm quý báu về cách xây dựng, quản lý các hệ thống truy xuất nguồn gốc có khả năng liên thông với nhau, các ứng dụng để số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và xúc tiến thương mại với các thị trường trong và ngoài nước.