Hồ sơ điều tra

Truy tìm đối tượng T1 trong vụ Hoa Hữu Long giả tướng quân đội lừa đảo

Tự xưng là Thiếu tướng quân đội, Hoa Hữu Long cùng vợ và nhiều trợ thủ đắc lực đã lừa đảo của gần 1000 người, chiếm đoạt số tiền hơn 83 tỷ đồng.

Ngày 18/1, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Hoa Hữu Long, kẻ giả danh tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt hơn 83 tỷ đồng của hàng nghìn người bị hại.

Các bị cáo tại tòa.

Hai bị can chính trong vụ án là Hoa Hữu Long (SN 1964, ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) và vợ là Cao Thị Kim Loan (SN 1970), cùng 12 đồng phạm khác cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình mở tòa xác định được như sau: Hoa Hữu Long biết tập đoàn Đông Dương (Tổ chức S10) không có thật nhưng bị cáo đã có hành vi gian dối, tự phong là Tư lệnh, thiếu tướng, người đứng đầu tổ chức S10, trực tiếp chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện việc tuyển nhân sự về làm việc cho S10; thu chi phí từ 65 – 110 triệu đồng/01 nhân sự.

Tình đến ngày 29/11/2017, Hoa Hữu Long và các đồng phạm đã thu hồ sơ của 951 nhân sự với tổng số tiền hơn 83 tỷ đồng.

Hoa Hữu Long khai: Tập đoàn Đông Dương được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 công ty khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của đối tượng tên Đức (biệt danh T1). Đến nay, tập đoàn Đông Dương vẫn chưa có quyết định thành lập, chưa có con dấu chính thức, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh, mới chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập và tuyển nhân sự.

Bị cáo này khai mình là người của tổng cục II -  Bộ Quốc phòng và hoạt động theo sự chỉ đạo của người đàn ông tên Đức nhưng không rõ lai lịch.

Long khai mình hoàn toàn tin tưởng Đức và hoạt động theo sự chỉ đạo của các công điện “mật” do Đức đưa.

Vẫn theo lời Long khai, theo sự chỉ đạo của các công điện “mật”, Long được tổng cục Chính trị bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch tập đoàn S10, chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động của Tập đoàn, có trách nhiệm phát triển nhân sự.

Long giới thiệu Nguyễn Minh Sơn là Phó tư lệnh phụ trách vấn đề về nhân sự, an ninh nội bộ của Tập đoàn; Mạc Phúc Hải làm Phó tư lệnh phụ trách đối ngoại và kinh tế của Tập đoàn; Cao Thị Kim Loan (vợ Long) làm Phó chính ủy Tập đoàn phụ trách các vấn đề về tài chính; Phùng Thị Thanh Huế làm Chánh văn phòng phụ trách các vấn đề văn bản, giấy tờ.

Ngoài ra, còn nhiều đầu mối thu gom tuyển người vào Tập đoàn với số tiền phải nộp từ 65 – 70 triệu đồng/01 trường hợp, tùy thuộc vào độ tuổi sẽ được phong quân hàm tương ứng.

Theo chỉ đạo, tất cả những người xin việc vào Tập đoàn nộp tiền cho các đầu mối rồi các đầu mối này nộp cho vợ chồng Long – Loan, sau đó Long giao cho đối tượng Đức theo chỉ đạo của công điện mật. Điều đáng nói, các lần giao tiền cho Đức đều không ký biên việc, việc giao tiền chỉ có Long và Đức biết, không có ai chứng kiến.

Đến nay, cơ quan An ninh điều tra đã lấy lời khai 650 bị hại, còn hàng trăm bị hại khác tuy đã có giấy triệu tập nhưng không đến hoặc địa chỉ không rõ ràng.

Hiện cơ quan an ninh điều tra vẫn đang tiếp tục truy tìm đối tượng T1 là ai, ở đâu.

PV sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa tới quý bạn đọc.