Sự kiện

Trường Sa lưng trời mây thẳm

Tôi còn nhớ một kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến đi thực tế sáng tác ở quần đảo bão tố Trường Sa năm 2016 theo lời mời của Quân chủng Hải quân.

Sau khi nói chuyện với các chiến sĩ hải quân còn rất trẻ ở Trường Sa, tôi đã đọc cho họ nghe bài thơ “Tàu đi Trường Sa” tôi sáng tác ngay trên tàu:

Anh lên tàu đi Trường Sa lưng trời mây thẳm

Những người lính năm xưa lẫn vào mây trắng

Máu san hô thấm hồn sóng mặn

Biển cồn cào thương đau

Mưa Trường Sơn năm xưa cùng anh lên tàu

Trường Sa biển vào mùa giặc giã

Đất nước như con tàu trận mạc đi qua

Trường Sơn rồi đến Trường Sa

Miên man binh lửa, hằng hà máu xương

Bao người con của quê hương

Lẫn vào mây trắng sa trường còn nghe

Hồn vương gốc lúa, bờ tre

Mẹ Việt Nam mãi chở che tháng ngày

Anh lên tàu đi Trường Sa

Những trang sóng mở ra một chân trời khác

Những trang muối mở ra một trầm tích khác

Nơi xương máu những người lính giữ đảo

Hóa thân vào từng rạn san hô

Đêm nay anh lắng nghe cuộc hội thảo

Của sóng, của muối, của máu những người lính ngã xuống

Họ nói về các hòn đảo bị giặc chiếm giữ

Về lá cờ phất cao trong mưa đạn quân thù

Và họ nói về bài thơ tình ấm áp

Như mái tóc dài của người yêu phía quê hương

Anh lên tàu di Trường Sa lưng trời mây thẳm

Nhớ một thời sương trắng nắng Trường Sơn

Có thể nói, được đặt chân lên quần đảo Trường Sa và đọc thơ về biển đảo cho các chiến sĩ hải quân của chúng ta nghe dưới bầu trời lộng gió đại dương là một trải nghiệm thật đặc biệt thú vị và rất hào sảng. Tôi đã lặng lẽ xếp vào tủ sách chiến sĩ ở các đảo tập thơ có in bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi.  Các chiến sĩ đã nhiều lần cùng tôi hát đồng ca bài thơ được phổ nhạc này.

Cách đây 10 năm, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Thanh Niên, báo Văn nghệ  đúng vào dịp xảy ra những vụ gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngay lập tức bài thơ được hàng vạn địa chỉ các trang mạng điện tử, các blog trong, ngoài nước đưa lại và được hàng triệu độc giả hưởng ứng. Chỉ sau một thời gian ngắn, bài thơ đã được 5 nhạc sĩ ở TP.HCM và Hà Nội phổ nhạc. Tôi cũng không ngờ bài thơ của mình lại có được sức cộng hưởng tri âm với người đọc như vậy.

Trong bài thơ có đoạn thơ sau: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không”.

 Sau khi phổ nhạc khá thành công bài thơ của tôi, nhạc sĩ Quỳnh Hợp ở TP.HCM cho biết: “Khi đọc bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” từ một đường link trên internet, trong tôi đã dâng trào một cảm xúc rất mạnh mẽ. Đó là tình yêu thiết tha với dải đất hình chữ S của mình với bao hiểm họa rình rập, lòng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ ngàn đời nay của cha anh. Sau 2 ngày nghiền ngẫm bài thơ và trong khoảng 3 giờ tôi đã  hoàn thành bài hát với câu mở như một lời hiệu triệu "Tổ quốc đang bão giông từ biển". Bài hát “Tổ quốc nhìn từ biển” ra mắt đúng lúc diễn biến ở Biển Đông căng thẳng đã khơi gợi, cổ vũ lòng yêu nước, kêu gọi mọi người Việt Nam hướng về Biển Đông. Trong bài thơ có những câu: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp  lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”. Bốn câu thơ bi hùng ấy có thể xem là hay nhất trong bài thơ khiến người đọc cay xè mũi, rưng rưng. Mấy câu thơ ấy là câu hỏi lớn khi đất nước lâm nguy thì làm sao những người yêu nước lại có thể bình lặng được. Câu thơ đã khơi gợi tình yêu Tổ quốc trong mỗi trái tim Việt Nam khi "sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa" hỏi rằng trong những hồn người hôm nay liệu có ngọn sóng nào không?”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trên nhà dàn DK1 trong chuyến công tác Trườn Sa.

Bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" tôi viết từ tháng 4/2009, nghĩa là bài thơ này được viết hơn 2 năm trước khi xảy ra sự cố gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông vào tháng 5/2011. Do vậy, với điểm nhìn của nhà thơ ở thời điểm ấy, tôi phải đặt ra những giả thiết, giả định... khi đề cập tới những vấn đề rất nhạy cảm về tình hình biển đảo của chúng ta lúc bấy giờ. Khổ thơ đầu tiên khi tôi đặt bút viết bài thơ này nguyên văn như sau: "Nếu Tổ quốc bị xâm lăng từ biển/Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa". Nhưng sau khi cân nhắc, đắn đo nhiều lần, tôi gạch bỏ 3 chữ "bị xâm lăng" ở câu thơ đầu tiên vì nghe có vẻ hơi nặng nề, để thay bằng 3 chữ "đang bão giông", nên bài thơ khi công bố đã mở đầu bằng đoạn "Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa".

Tương tự như vậy, ở đoạn thơ sau, nguyên văn câu thơ tôi viết ban đầu: "Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng xâm lấn đè lên thêm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Sau khi đọc lại và cân nhắc kỹ, tôi quyết định bỏ 2 chữ "xâm lấn" để thay bằng 2 chữ "lớp lớp", nên khi chính thức công bố, đoạn thơ này có nội dung "Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Nói như thế để thấy rằng, trong bài thơ này, tôi đã phải cân nhắc, tính toán, sửa đi sửa lại từng câu, từng chữ một trước khi in trên báo.

Thậm chí, ngay cả khi bài thơ chuẩn bị lên khuôn, tôi còn tới tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đề nghị sửa gấp ngay một vài chữ "nhạy cảm" trong một số đoạn thơ. Khi ấy, nhà thơ Nguyễn Bình Phương (nay là Tổng biên tập Tạp chí VNQĐ) nói với tôi: "Những tình tiết này không ai biết được, nhưng sau này, khi bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" đến với công chúng, những người có trách nhiệm sẽ phải cảm ơn anh vì sự tận tụy với thi ca và chỉ có những người có tấm lòng yêu nước chân chính như anh mới có sự cẩn trọng với từng câu chữ như vậy!".

Đến năm 2015, tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” được NXB Phụ nữ ấn hành và sau đó đã được trao Giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Đất nước, quê hương và con người Việt Nam là mối quan tâm trong những sáng tác thi ca của tôi từ khi cầm bút cách đây gần 40 năm. Và tôi nghĩ, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến