Sự kiện

Trưởng phòng Dự báo thời tiết lý giải nguyên nhân mưa đá tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Những ngày qua, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc có hiện tượng mưa đá, gây thiệt hại cho đời sống của người dân. Bên cạnh đó, mưa lớn cũng gây ngập úng, tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin: “Nguyên nhân của đợt rét này thì không quá đặc biệt bởi khối không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống khá yếu và chỉ gây ra rét trong khoảng 1-2 ngày, sau đó nhiệt độ sẽ có xu hướng tăng dần.

Không khí lạnh sẽ tiếp tục gây mưa trong đêm nay đến sáng ngày mai, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này giảm xống phổ biến từ 14-17 độ, từ ngày 5/3, mưa giảm và nhiệt độ bắt đầu có xu hướng tăng nhanh”.

“Trước đó, trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành bản tin nhận định sớm vào chiều thứ 6 (ngày 28/2), trong đó có cảnh báo Bắc Bộ và Hà Nội từ chiều ngày 2/3 đến ngày 4/3 có nguy cơ cao xảy ra dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh”, ông cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh: “Như đã dự báo, đợt rét này không quá mạnh, do vậy nhiệt độ sẽ có xu hướng tăng nhanh, từ ngày 6/3 nhiệt độ cao nhất trong ngày có khả năng ở mức từ 25-28 độ, những ngày tiếp theo nhiệt độ tiếp tục tăng nhanh, mỗi ngày từ 2-3 độ. Ngày 8 và ngày 9/3 nhiệt độ sẽ tăng ở mức từ 29-32 độ ở Hà Nội, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ có thể lên tới 33-35 độ, xuất hiện nắng nóng cục bộ”.

“Theo thống kê, vào tháng 3 hàng năm có khoảng 3-5 đợt không khí lạnh, theo đó dự báo khả năng tháng 3 năm nay không khí lạnh hoạt động yếu và ít có cơ hội gây ra các đợt rét kéo dài.

Tuy nhiên với xu hướng nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, các đợt không khí lạnh ảnh hưởng sau những ngày nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, có thể sẽ gây ra sự xáo trộn không khí mạnh mẽ và gây ra những trận mưa rào và dông, có khả năng kèm theo mưa đá như tối và đêm ngày 2/3”, Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết thêm.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Trước đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đã nhận định: “Một đợt gió mùa Đông Bắc sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi, tuy nhiên thời điểm đêm mùng 3 sang ngày mùng 4/3 mới là thời điểm không khí lạnh dồn xuống mạnh nhất, kết hợp với một vùng hội tụ gió trên mực 5.000m, sẽ gây mưa rào và dông diện rộng ở Bắc Bộ, có nơi mưa vừa, mưa to và dông, cần đề phòng mưa đá và gió giật mạnh.

Về dự báo xa, từ nay đến hết tháng 3 còn khoảng 2-3 đợt không khí lạnh, sang tháng 4 có khoảng 1-2 đợt không khí lạnh nữa nhưng cường độ ngắn và không có khả năng gây rét đậm. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn lưu ý đó là các đợt không khí lạnh xuống nước ta trong giai đoạn giao mùa thường hay gây ra các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh”.

Theo thông tin cập nhật từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, bộ phận không khí lạnh vẫn đang di chuyển xuống phía Nam.   

Dự báo, gần sáng và ngày 4/3, không khí lạnh ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ và phía Tây Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của hội tụ gió lên đến 5.000m kết hợp với không khí lạnh nên Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to; Bắc Trung Bộ có mưa dông, từ chiều mai mưa mở rộng xuống Trung Trung Bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cơn mưa lớn chiều ngày 3/3 đã gây ngập úng, ùn tắc tại Hà Nội.

Từ ngày mai, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 15-18 độ, vùng núi có nơi dưới 13 độ.

Từ gần sáng ngày 4/3, gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Từ trưa nay, ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động; khu vực Bắc biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.

Khu vực Hà Nội: Có mưa vừa, mưa to và dông. Trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất khoảng 16-18 độ.