Sự kiện

Trường hợp nào lương của chồng được chuyển thẳng vào tài khoản vợ?

Có rất nhiều quy định mới liên quan đến lương, thưởng của người lao động được đề cập đến trong bộ luật Lao động 2019.

Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Bộ luật này là quy định về nguyên tắc trả lương và thưởng đối với người lao động.

Tại Điều 94 của bộ luật này chỉ rõ, trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Đây là một quy định mới chưa từng được nêu tại bộ luật Lao động 2012. Theo đó, người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp không thể nhận lương trực tiếp và người sử dụng lao động phải chuyển lương cho người được người lao động ủy quyền.

Tuy nhiên, về bản chất, muốn thực hiện quy định này thì vẫn phải làm thủ tục ủy quyền theo quy định của bộ luật Dân sự hiện hành. Theo quy định pháp luật hiện nay, người được ủy quyền vẫn có thể lãnh lương thay người ủy quyền.

Ủy quyền lãnh lương chỉ là 1 khía cạnh nhỏ trong phạm vi cho phép uỷ quyền của bộ luật Dân sự. Thực tế, việc ủy quyền này đã được áp dụng cho việc lãnh lương hưu.

Cụ thể là lương hưu của các lão thành cách mạng, người già yếu sẽ được chuyển về trụ sở UBND phường để người nhận lương hưu đến nhận hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng. Nếu người nhận không thể đến nhận trực tiếp thì có thể làm ủy quyền cho người thân hoặc cho một cá nhân nào đó, có thể là người ở gần nhà hoặc tổ trưởng tổ dân phố...nhận giúp.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, nếu người lao động không thể đến công ty nhận lương trực tiếp và công ty đồng ý để người được người lao động ủy quyền nhận lương thay thì công ty vẫn chuyển lương cho người nhận thay một cách bình thường mà không phải đợi đến năm 2021 mới thực hiện được. Hợp đồng ủy quyền được lập dựa trên quy định tại Mục 13 Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015.

Đồng thời, Điều 94 bộ luật Lao động 2019 cũng chỉ rõ, người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Mặt khác, nếu như trước đây, bộ luật Lao động 2012 quy định khi trả lương qua tài khoản, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản thì tại khoản 2 Điều 96 của bộ luật Lao động 2019 nêu rõ: “Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng”.

Hoàng Mai