Giáo dục

Trường học được tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa

Theo đó, việc trả lại quyền chọn sách cho các cơ sở giáo dục được đánh giá là phù hợp, đảm bảo tính khách quan và phục vụ người học.

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục sẽ do hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu) thành lập. Hội đồng này gồm các thành phần: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên và đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh.

Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người.

Mỗi cơ sở giáo dục có 1 hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Đặc biệt, Thông tư 27 quy định rõ, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa không được tham gia hội đồng. Tứ thân phụ mẫu và anh chị em ruột thịt hai bên vợ/chồng của người làm sách giáo khoa cũng không được phép có mặt trong hội đồng này.

Tương tự, người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được phép liên quan tới hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục.

Xây dựng tổ chuyên môn để chọn sách giáo khoa.

Cơ sở giáo dục có quyền quyết định chọn sách

Căn cứ vào kế hoạch của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó. Giáo viên hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường đều được tham gia.

Chậm nhất 20 ngày trước phiên họp đầu tiên, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các sách giáo khoa, viết phiếu nhận xét, đánh giá theo các tiêu chí đề ra.

Trong phiên họp, các giáo viên sẽ bỏ phiếu lựa chọn 1 sách giáo khoa duy nhất cho mỗi môn học. Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu.

Trường hợp không có sách giáo khoa nào đạt từ 1/2 số phiếu, tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại. Sách giáo khoa được lựa chọn là sách giáo khoa nhận số phiếu cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai.

Trong cả 2 lần bỏ phiếu, nếu có từ 2 sách giáo khoa nhận số phiếu bằng nhau, tổ trưởng tổ chuyên môn được quyền đưa ra quyết định.

Từ kết quả lựa chọn của các tổ chuyên môn, hội đồng của nhà trường họp thảo luận, thẩm định. Sau đó nhà trường lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng GD&ĐT (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) hoặc Sở GD&ĐT (đối với cấp trung học phổ thông).

Ở bước thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, sau đó tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa trình Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh.

Cuối cùng, UBND cấp tỉnh đưa ra quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn.

Quy trình mới được đánh giá là phù hợp với thực tiễn.

Công khai danh mục sách giáo khoa hằng năm

Cùng với đó, UBND cấp tỉnh đăng tải công khai danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục tại địa phương. Đồng thời, các cơ sở giáo dục phải thông báo danh mục này đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30/4 hằng năm.

Trong quá trình sử dụng sách giáo khoa, căn cứ các kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh nếu có, cơ sở giáo dục báo cáo, đề xuất cơ quan quản lý cấp trên để điều chỉnh, bổ sung danh mục.

Thông tư 27 về lựa chọn sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông có hiệu lực kể từ ngày 12/2/2024.

Như vậy, bắt đầu từ năm học 2024-2025, việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT trả về cho các trường.

Theo quy định cũ tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT năm 2020, quyền lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thuộc về UBND cấp tỉnh.

Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ ủng hộ quy trình theo Thông tư 27.

“Việc giao cho các trường thành lập hội đồng là phù hợp, bởi mỗi trường ở từng khu vực sẽ có điều kiện thực tế, năng lực, đội ngũ cơ sở vật chất và các mục tiêu, mục đích giáo dục khác nhau. Để sát đối tượng giảng dạy các trường cần được chủ động, cùng với hạn chế sự tác động trong việc chọn sách”, ông Nguyễn Quốc Bình cho biết.

Theo ông Bình điều này cũng hướng dần đến việc sách giáo khoa giờ đây chỉ là học liệu và phải giao cụ thể cho từng giáo viên lựa chọn nguồn sách phù hợp nhất với học sinh.

“Tuy nhiên, đội ngũ chuyên môn của từng trường sẽ có những năng lực khác nhau, không đồng đều. Các trường cần lựa chọn những giáo viên cốt cán, có đủ năng lực để tham gia đánh giá.

Ngoài ra, việc lựa chọn không chỉ tập trung vào một số giáo viên mà còn là sự đánh giá tìm tòi, nhận xét của cả một tập thể, làm sao nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực của từng cán bộ, giáo viên tham gia vào việc chọn sách giáo khoa để mang lại kết quả tốt”, ông Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.