Giáo dục

Nguyên nhân một số trường đại học nâng điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh

Mùa tuyển sinh 2019 lại tái diễn tình trạng các trường đại học nâng điểm chuẩn lên cao để đánh rớt số ít thí sinh trúng tuyển.

Báo VietNamNet đưa tin, trường đại học Đồng Nai đã công bố điểm chuẩn 2019. Điều bất ngờ dù là trường đại học địa phương nhưng có nhiều ngành điểm chuẩn cao vót. Đặc biệt hơn, dù điểm chuẩn cao nhưng những ngành này lại không có thí sinh nào trúng tuyển.

Năm 2019, chỉ tiêu của trường đại học Đồng Nai là 1.226 cho 14 ngành thuộc hệ đại học, 350 chỉ tiêu cho 8 ngành hệ cao đẳng. Theo thông báo điểm chuẩn của trường, trong đợt 1 này có 1.806 thí sinh trúng tuyển vào bậc đại học và 189 thí sinh trúng tuyển hệ cao đẳng.

Tuy nhiên, ở bậc đại học có 4 ngành không có thí sinh nào trúng tuyển, bao gồm: Sư phạm Vật lý; Sư phạm Sinh học; Sư phạm Lịch sử và và Quản lý đất đai. Mặc dù, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn cho các ngành sư phạm năm nay là 18, nhưng điểm chuẩn của ngành này ở Trường ĐH Đồng nai cao hơn sàn rất nhiều.

Trong khi đó, ngành Sư phạm Vật lý có điểm chuẩn lên đến 24,7 và ngành Sư phạm Lịch sử cũng bị đẩy lên đến 22,6; Sư phạm Sinh học 18,5 riêng Quản lý đất đai có điểm chuẩn: 20,8.

Nhiều ngành điểm chuẩn cao nhưng không có thí sinh trúng tuyển. (Ảnh: Chụp màn hình)

Ở bậc cao đẳng, 3 ngành có điểm chuẩn 16 và đều có thí sinh trúng tuyển, nhưng 5 ngành còn lại không có thí sinh nào. Ngoại trừ Sư phạm Vật lý có điểm chuẩn:16 điểm, Sư phạm ngữ văn có điểm chuẩn: 19,8; Sư phạm Hóa: 19,5; Sư phạm Toán: 19

Trao đổi với báo Thanh Niên, PGS-TS Lê Kính Thắng, Trường phòng Đào tạo Trường đại học Đồng Nai, xác nhận có tình trạng nâng điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh với các ngành không tuyển được.

"Chiều 8/8, khi họp bàn phương án xác định điểm chuẩn, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã thống nhất nâng điểm chuẩn một số ngành lên mức cao hơn mức điểm cao nhất của thí sinh có thể trúng tuyển", ông Thắng cho biết.

Theo ông Thắng: "Lý do là các các ngành này chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, nhiều nhất cũng chừng 5 em nên không đủ mở lớp. Trường cũng tính đến phương án cho thí sinh chuyển ngành nhưng không được do sự khác biệt về tổ hợp xét tuyển và chênh lệch điểm chuẩn. Vì vậy việc nâng điểm để thí sinh không thể trúng tuyển vào trường chính là tạo cơ hội cho các em tham gia xét tuyển đợt sau".

Tình trạng này không phải năm đầu tiên. Trước đó, năm 2018 trường đại học Đồng Nai cũng phải nâng điểm chuẩn một ngành lên cao để đánh rớt thí sinh do không đủ thí sinh mở lớp.

Cũng trong năm ngoái, trước thực tế không tuyển đủ người mở lớp trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng phải chọn cách này vì quyền lợi thí sinh.

Theo Zing.vn, bảng điểm chuẩn năm 2019 của đại học Phạm Văn Đồng để trống ở hai ngành Sư phạm Tin học, Sư phạm Vật lý. Trong khi, đề án tuyển sinh năm 2019 vẫn có chỉ tiêu cho 2 ngành này.

Tương tự, 7 ngành đào tạo sư phạm thuộc hệ cao đẳng của trường này cũng không có thí sinh tham gia xét tuyển nên không có điểm chuẩn.

7 ngành hệ cao đẳng của đại học Phạm Văn Đồng cũng không có điểm chuẩn. (Ảnh: Chụp màn hình)

TS Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng đại học Phạm Văn Đồng, cho hay những ngành không có điểm chuẩn là những ngành không có thí sinh trúng tuyển.

"Điểm sàn Bộ GD&ĐT đưa ra cho khối ngành sư phạm quá cao. Học sinh ở các địa phương nếu có mức điểm 18-19 thì các em vào học ở các trường đại học lớn ở thành phố lớn, các trường đại học địa phương không có thí sinh để tuyển. Hiện trường rất khó khăn trong tuyển sinh", ông Vũ cho biết.

Dù điểm chuẩn được đại học Phạm Văn Đồng đưa ra đã sát sàn xét tuyển, đến ngày 9/8, danh sách thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng chính quy xét bằng điểm thi THPT quốc gia 2019 cũng chỉ có 77 thí sinh. Nhỏ hơn rất nhiều sao với tổng số hơn 1.200 chỉ tiêu mà trường đề ra. Nhiều ngành chỉ có 1-2 thí sinh trúng tuyển.

Đây cũng là tình trạng mà đại học Phú Yên gặp phải. Điểm chuẩn của trường bằng điểm sàn được đưa ra trước đó nhưng đến nay chỉ có 76 thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.

Nhiều ngành bậc đại học như Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Toán, Sư phạm Tiếng Anh chỉ có 1-2 thí sinh trúng tuyển. Thậm chí, các ngành như Sư phạm Tin học, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn "trắng" thí sinh trúng tuyển.

TS Trần Lăng, Phó hiệu trưởng đại học Phú Yên, cho hay nguồn tuyển của trường chủ yếu đến bằng hình thức xét tuyển học bạ. Đến nay, trường đã công nhận trúng tuyển cho gần 200 thí sinh bằng hình thức này và đang tiếp tục tuyển sinh bổ sung.

"Trường cũng không hy vọng nhiều vào việc xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Tất nhiên, trường sẽ thông báo xét tuyển bổ sung bằng nhiều phương thức nhưng hiện nay thí sinh trúng tuyển vào trường bằng hình thức xét tuyển học bạ là chính", TS Trần Lăng nói.

H.M (tổng hợp)