Giáo dục

Trường đại học không "mặn mà" với tuyển sinh đào tạo liên thông

Với lượng chỉ tiêu thấp, chỉ hạn chế ở một số ngành đào tạo đã cản trở cho lựa chọn học liên thông của sinh viên.

Mặc dù việc liên thông giữa các trình độ đào tạo hiện nay được đánh giá là đa dạng, hướng đến việc mở cơ hội, tạo điều kiện học tập cho người học nhưng trên thực tế đến nay nhiều cơ sở giáo dục đào tạo không quá đẩy mạnh hoạt động này.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết việc liên thông trong cùng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp rất đơn giản, thuận tiện khi các trường được chủ động tuyển sinh, đánh giá và cấp bằng. Tuy nhiên, ngược lại việc liên thông từ các trường cao đẳng lên bậc đại học thì còn có vướng mắc.

Đơn cử trong số đó, ông Ngọc cho hay các trường đại học ngay tại Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh liên thông còn hạn chế. Trường ở khu vực khác có thể còn chỉ tiêu nhưng các em không có nhu cầu học vì không thuận lợi cho vừa học, vừa làm. Chưa kể còn kèm theo những chính sách liên thông chưa hấp dẫn để thu hút học viên tiếp tục đi học.

Để sự liên thông thuận lợi, TS. Đồng Văn Ngọc đánh giá: “Ngay khi các trường cao đẳng xây dựng chương trình đào tạo rất cần có sự góp ý, đánh giá của cơ sở giáo dục đại học. Nếu không có sự đối sánh và hợp tác thì người học phải học bù học lại, học bổ sung nhiều các lượng kiến thức bị chênh lệch giữa hai bậc, gây cản trở cho các em”.

“Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ để tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo và học viên có thể tiếp cận với trình độ đại học”, ông Ngọc đánh giá.

TS. Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, các ngành Kỹ thuật ô tô, Cơ khí, Điện lạnh, Tự động hoá, Công nghệ thông tin, là những ngành hầu hết là rất ít chỉ tiêu.

Tuy nhiên, nhu cầu cho việc liên thông chiếm khoảng 5% học viên sau khi tốt nghiệp tại trường khi có mong muốn làm giảng viên hoặc các ngành nghề đòi hỏi trình độ đại học.

“Phần lớn, ngay từ năm thứ 2 các em đã được doanh nghiệp chào đón và có việc làm từ khi còn đang đi học. Việc các nhà tuyển sinh quan tâm đến kỹ năng, năng lực nghề nghiệp như hiện nay cũng làm giảm bớt đi nhu cầu liên thông lên đại học”, ông Ngọc cho biết.

Về phía các trường đại học, trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Lâm – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, do nhà trường theo đuổi mục tiêu đào tạo chính quy chất lượng cao nên cũng không quá tập trung, “mặn mà” đối với việc tuyển sinh liên thông.

“Đối với tuyển sinh liên thông có lượng thí sinh lớn, mỗi khoá sẽ tuyển được khoảng hơn 100 sinh viên, quy chế tuyển sinh cũng đảm bảo thuận lợi tuy nhiên nhà trường không chú trọng tập trung với đào tạo liên thông trong giai đoạn này”, ông Nguyễn Văn Lâm bày tỏ.

Cũng theo đại diện Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải chỉ một số ít ngành truyền thống của nhà trường như Công trình, Cơ khí, Kế toán là có mở chỉ tiêu đào tạo liên thông.

Đào tạo liên thông hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo kết quả đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học giai đoạn 2017-2023 của Tiểu ban Giáo dục đại học: Tổng số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay là 243 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh), trong đó số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo liên thông là 134 trường, chiếm 49% số cơ sở đào tạo. Điều này cho thấy nhu cầu dạy và học liên thông là tương đối lớn.

Khảo sát, thống kê cho thấy, ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học là những ngành có nhu cầu đào tạo liên thông lớn nhất bởi 2 ngành này vẫn được đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng.

Bên cạnh đó, các ngành Luật, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Kế toán, Dược học, Điều dưỡng, Y khoa, Luật Kinh tế, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử cũng là những ngành có đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng. Do đó để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như nâng cao trình độ, số lượng người học có nhu cầu học lên đại học là rất lớn.

Đào tạo liên thông có 2 hình thức là chính quy và vừa làm vừa học, trong đó ở hình thức nào cũng có các đối tượng khác nhau: từ trung cấp lên đại học, từ cao đẳng lên đại học và từ đại học sang đại học (văn bằng 2).

Trong số 134 trường có đào tạo liên thông, các trường có thể đào tạo cả theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, hoặc chỉ đào tạo một hình thức chính quy hoặc vừa làm vừa học, có thể đào tạo một hoặc nhiều cấp độ khác nhau tùy theo nhu cầu người học và năng lực đào tạo của nhà trường.