Giáo dục

Trường đại học cần công bố lộ trình tăng học phí khi đào tạo liên thông

Chiều 19/11, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn kết nối các cơ quan lý giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để phát triển các chương trình đào tạo về lĩnh vực kĩ thuật – công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, hội thảo đóng góp trực tiếp cho Chiến lược phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo của ĐHQGHN. Việc đẩy mạnh các ngành kỹ thuật – công nghệ sẽ góp phần phát huy thế mạnh mô hình đa ngành, đa lĩnh vực trong ĐHQGHN.

Đây là dịp để các đại biểu cùng bàn thảo các ngành nghề, bối cảnh, xu hướng mới cùng một số vấn đề đặt ra khi đẩy mạnh đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ. Nhóm ngành này phải hướng tới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được nhu cầu của nhân lực trên thị trường quốc tế.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân

Mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. 

Tại Hội thảo, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức chia sẻ một số giải pháp và lộ trình triển khai các ngành kỹ thuật – công nghệ, đánh giá thực trạng đào tạo các chương trình liên ngành, kỹ thuật – công nghệ tại ĐHQGHN; sửa đổi, xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp khung trình độ Quốc gia; đổi mới chính sách về tuyển sinh; đổi mới chương trình, hình thức tổ chức đào tạo và hỗ trợ người học; thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành; phối hợp giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; đào tạo gắn với doanh nghiệp; xây dựng văn bản quản lý, …

Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, định hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư; hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và nước ngoài; trao đổi giảng viên, chuyên gia quốc tế…

Hội thảo có sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia và các trường đại học

Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN Nguyễn Việt Hà đã thông tin về vấn đề đào tạo ngành kỹ thuật – công nghệ tại trường. Theo đó, đối với đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ, hoạt động thực hành, thực tập luôn đóng vai trò quan trọng. Trường có hệ thống phòng thực hành, phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu khoa học của người học.

Nhà trường đã được ĐHQGHN đầu tư chiều sâu cơ sở vật chất trang thiết bị khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao… tập trung cho các ngành đào tạo mới như kỹ thuật năng lượng, công nghệ kỹ thuật xây dựng, … và củng cố cho các ngành cần đẩy mạnh như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.

Người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo thí điểm ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Ông Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cao Thắng, chia sẻ về nguyên nhân cần phải đào tạo liên thông giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, ông cho hay, xuất phát từ đơn vị sử dụng lao động đó là nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động cũng như nhu cầu học tập suốt đời của các cá nhân.

Để nâng cao hiệu quả, ông Lê Đình Kha cho rằng cần đa dạng hoá hình thức học liên thông, bao gồm cả liên thông chính quy; các trường đại học nên công bố lộ trình tăng học phí; cần có đội ngũ hỗ trợ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người học và tư vấn hỗ trợ kịp thời nhằm hỗ trợ người học duy trì mục tiêu học tập; vận động doanh nghiệp hỗ trợ người học trong quá trình tham gia học liên thông.

Ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, thực hiện Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012 - 2015 (Đề án 371), từ năm 2014 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chuyển giao 34 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ Úc và Đức (12 nghề từ Úc, 22 nghề từ Đức)