Sự kiện

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – Vị Tư lệnh tài ba nơi tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

Trong tiến trình phát triển Lịch sử Việt Nam, ở vùng đất Quảng Bình “Địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt, tiếng tăm lừng lẫy, làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Trong đó phải kể đến Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - vị tư lệnh tài ba nơi tuyến đường vận tải Trường Sơn huyền thoại.

Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Ðó là con đường nối liền Nam – Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Bởi vì đó là con đường vận tải lương thực, đạn dược và lực lượng quyết định sự thành bại của chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Ðóng góp to lớn đó của đường Trường Sơn không thể không kể đến vai trò của vị Tư lệnh - Trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên khi ông xây dựng đường Trường Sơn trở thành “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” đối với đế quốc Mĩ.

Là một vị thủ lĩnh, Ðồng Sĩ Nguyên quán triệt rằng: “Trong cuộc chiến đấu để giành thắng lợi phục vụ chiến trường, tuyến chi viện chiến lược của chúng ta cũng là một chiến trường, một mặt trận có hai đối thủ phải vượt qua. Một là chiến đấu với bộ binh và không quân địch để giữ vững và phát triển tuyến chi viện. Hai là cuộc “chiến đấu” với thời tiết nghiệt ngã ở địa bàn Đông và Tây Trường Sơn để giành giật thời gian, thực hành vận chuyển thắng lợi”.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên.

Với những công lao của Trung tương Đồng Sĩ Nguyên cống hiến cho cách mạng và cho Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Đồng chí đã có công lao to lớn trong tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Đặc biệt đồng chí có công lao lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”....

Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông quán triệt tư tưởng “đánh địch mà tiến, mở đường mà đi”, áp dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong việc chiến đấu chống ngăn chặn của đế quốc Mĩ: “Quan trọng nhất là tư tưởng tiến công, chủ động tiến công, kiên quyết tiến công là bản chất của cách mạng vô sản, mãi mãi vẫn là chân lý. Vấn đề là chúng ta phải vận dụng dụng vào từng nơi, từng lúc, từng binh chủng cho phù hợp, sáng tạo”. Tư tưởng chiến đấu ở đây của ông khác với chiến đấu ngoài mặt trận. Nó là chiến đấu ngăn chặn, vận tải vẫn là trung tâm. Trước tình hình đó, Đồng Sĩ Nguyên đề nghị tư tưởng tiến công phải được cụ thể hóa đến từng đơn vị nhất định.

Đối với pháo cao xạ, phải bố trí lại trận địa bám sát các mục tiêu bảo vệ, lấy chốt trọng điểm là chính, kết hợp với cơ động thích hợp. Từ trận địa bám trụ mà đánh tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ đội hình hành tiến của đội xe, đội hình tác nghiệp của công binh và cầu đường, làm cho xác suất bom đạn giảm, tổn thất của ta ít, tốc độ vận chuyển tăng.

Cùng với ông Lê Đức Anh, ông Đồng Sĩ Nguyên là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng nhờ những cống hiến của mình 

Đối với bộ đội công binh phải xây dựng công sự bám trụ ở trọng điểm, lấy chốt trọng điểm như trận địa chiến, tăng công cụ cải tiến, tăng máy húc xe ben, thuốc nổ để giảm bớt người mà vẫn ứng cứu, khắc phục phá hoại nhanh. Kết hợp chống phá hoại với mở rộng mặt đường, thực hiện địch càng đánh thì mặt đường càng rộng, xe qua càng nhanh. Đồng thời dành một lực lượng liên tục mở đường mới. Từ việc mở các đường tránh cục bộ ở từng trọng điểm sẽ nối lại dần thành một tuyến mới song song. Nắm vững quy luật đánh phá của địch, lợi dụng thời tiết sương mù, mây thấp, từ “lấn sáng, lấn chiều” chuyển sang lấn ban ngày là chính, ban đêm tập trung khắc phục hậu quả và ứng cứu cho đội hình xe.

Đối với bộ đội xe vận tải chuyển sang tổ chức đội hình nhiều thê đội quy mô đại đội, hoặc tiểu đoàn, có chỉ huy chặt chẽ, xóa lối đi tự do từng chiếc, từng tốp nhỏ.

Xây dựng các căn cứ xuất phát an toàn với nhiều đường tiếp cận ra đường trục, tận dụng thời tiết sương mù chạy “lấn chiều, lấn sáng” để tăng thời gian xe lăn bánh, lợi dụng pháo sáng và quy luật đánh phá của địch, chủ động và liên tục tiến công, luôn đạt hiệu suất cao, vượt cung tăng chuyến.

Truyền đạt tư tưởng hợp đồng tác chiến tới từng đơn vị, để từng lực lượng không còn đơn độc trong khi làm nhiệm vụ, hỗ trợ đắc lực cho nhau chiến đấu, phát huy cao nhất hiệu quả công tác vận tải, phát huy sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Tư tưởng của tướng Đồng Sĩ Nguyên được quán triệt có ý nghĩa hết sức to lớn, khắc phục được tư tưởng dao động, phòng tránh đơn thuần đồng thời đề phòng chủ quan mất cảnh giác.

Giờ đây khi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – một người con Quảng Bình, vị tư lệnh tài ba của tuyến đường vận tải Trường Sơn huyền thoại vừa rời cõi tạm để đến với thế giới người hiền. Thành kính vĩnh biệt Trung tướng, thay nén tâm nhang ở những bài viết sau, chúng tôi sẽ giúp bạn đọc thấy được tài năng, đức độ và tầm ảnh hưởng của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đối với sự phát triển của tuyến đường chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh nói riêng và thắng lợi của dân tộc trong cuộc trường chinh vĩ đại chống quân xâm lược nói chung.

Tất Thắng - Thế Hà