Sự kiện

Trung tâm xuất khẩu lao động làm ăn “bát nháo” đề nghị bộ LĐ-TB&XH rút giấy phép

Theo nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh, hiện nay có quá nhiều trung tâm xuất khẩu lao động, thông tin chưa kịp thời dẫn đến những người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động bị “loạn”.

Những ngày qua, thông tin 39 người chết trong xe tải ở Anh nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Từ sự việc đau lòng này, không ít người cho rằng để đến được với “miền đất hứa”, người dân đã phải trả giá bằng việc đi lao động “chui”.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng bấy lâu nay, việc quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng đưa người sang nước ngoài trái phép?

Xoay quanh vấn đề xuất khẩu lao động, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến từ nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội luật gia TP. Hải Phòng.

Thưa ông, hiện nay không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà một số tỉnh thành khác trên cả nước xuất hiện nhiều trung tâm xuất khẩu lao động. Ông đánh giá như thế nào về quy trình hoạt động của các trung tâm xuất khẩu lao động này?

Có thể nói, thông tin về các chương trình xuất khẩu lao động rất nhiễu loạn, người dân thiếu thông tin chính xác để lựa chọn được những nơi đi xuất khẩu an toàn, đảm bảo.

Vừa rồi, tôi được biết có một số trung tâm xuất khẩu lao động đưa người đi nước ngoài sai và bộ Lao động thương binh và Xã hội đã rút giấy phép, chấn chỉnh.

Nguyên ĐBQH Trần Ngọc Vinh.

Vậy theo ông, vai trò kiểm soát của bộ LĐ,TB&XH trong việc cấp phép các trung tâm xuất khẩu lao động ra sao?

Các trung tâm xuất khẩu lao động được phép của bộ LĐ,TB&XH phải hoạt động theo đúng quy định. Nhưng, cũng có rất nhiều công ty quản lý lỏng lẻo, lấy tiền của người dân cho đi học lớp này lớp kia, học tiếng nhưng cuối cùng không đi nước ngoài được. Như vậy, với những trường hợp trung tâm được nhà nước cấp phép nhưng lại làm ăn bát nháo, tôi đề nghị bộ LĐTB&XH rút giấy phép xuất khẩu lao động. Tiếp nữa, cần phải xử lý những vụ việc có tính chất lừa đảo để làm gương.

Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân góp phần vào tình trạng đưa người sang nước ngoài trái phép là do khâu quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động nhiều bất cập. Vậy, để hạn chế tình huống xấu nhất có thể xảy ra với người dân lao động, theo ông cơ quan quản lý cần phải làm gì?

Tôi cho rằng, người địa phương đi làm thì phía công an địa phương, chính quyền phải kiểm tra, kiểm soát…

Còn với những trung tâm hoạt động không được cấp phép, thì cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm.

Đồng thời, phải phổ biến rộng rãi công khai như đi nước nào, điều kiện ra sao… Tôi thấy, hiện nay không công bố công khai, lập lờ, dân không hiểu. Nên xảy ra tình trạng người đi xuất khẩu lao động bị lừa, thậm chí có tình trạng đi chui. Ngoài chính quyền địa phương thì bộ LĐ,TB&XH cũng cần rà soát lại các trung tâm xuất khẩu lao động để có hướng quản lý một cách chặt chẽ hơn.

Xin cảm ơn ông!

Đã có luật quy định!

Cũng trao đổi thêm với PV báo điện tử Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên bộ trưởng bộ LĐ,TB&XH cho rằng: “Xuất khẩu lao động có cả một luật quy định, những đơn vị được làm về xuất khẩu lao động phải là một công ty, doanh nghiệp… Tôi cho rằng, chủ trương của nhà nước về vấn đề này rất chặt chẽ, có nghị định, công ty nào làm được thì cũng phải có tư cách pháp nhân, đào tạo”.