Tiêu điểm thế giới

Trung Quốc tìm cách cân bằng giữa bài toán kinh tế và môi trường

Việc phê duyệt các dự án điện than mới đã chỉ ra mâu thuẫn trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu do chính nước này đặt ra.

Chính quyền địa phương Trung Quốc đã phê duyệt 24 nhà máy điện than mới với tổng công suất 5,2 GW, theo một báo cáo được Greenpeace Đông Á công bố hôm 25/8. Phần lớn công suất này đến từ ba dự án quy mô lớn có khả năng nhận được hỗ trợ từ chính quyền trung ương nước này.

Việc phê duyệt các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch này đã chỉ ra mâu thuẫn trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu của chính mình, theo các nhà hoạt động vì môi trường.

“Vẫn có những tín hiệu trái chiều liên quan tới than đá, dẫn đến rủi ro về tài chính và môi trường,” Li Danqing, đại diện Greenpeace Đông Á tại Bắc Kinh, cho biết. “Rõ ràng là các tỉnh đang có kế hoạch tài trợ cho các dự án điện than mới".

Một nhà máy nhiệt điện thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Greenbiz

Trong một cuộc họp hồi tháng 7, Chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp tích cực đang được thực hiện nhằm giảm phát thải carbon, sau khi sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá lại trong mối tương quan với các mục tiêu khí hậu của chính Bắc Kinh.

Việc thực thi nghiêm ngặt, từ trên xuống đối với các mục tiêu giảm phát thải để tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và bắt đầu giảm tiêu thụ than từ năm 2026 do Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra được cho là đang cản trở nỗ lực của nước này trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm lại. Các bước đi trước mắt nhằm cắt giảm ô nhiễm đang được cân bằng với nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp điện và hỗ trợ sự phục hồi của ngành công nghiệp nặng sau đại dịch.

Trung Quốc đã khuyến nghị một cách tiếp cận có trật tự, có tính phối hợp hơn để đạt được trạng thái trung hòa carbon, theo một báo cáo được Tân Hoa xã công bố sau cuộc họp.

Khuyến nghị này được đưa ra trong bối cảnh than đá, nguồn năng lượng chính của Trung Quốc, đang thiếu hụt do hậu quả của cuộc chiến thương mại Trung-Úc và việc các biện pháp kiểm tra an toàn được thắt chặt sau hàng loạt các vụ tai nạn khai thác than chết người.

Đồng thời, những nỗ lực hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất đã khuyến khích chính quyền địa phương loại bỏ dần một số hoạt động khai thác, làm sâu sắc thêm sự thiếu hụt này.

Lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Úc đã khiến nhiều khu vực rộng lớn của Trung Quốc chìm trong bóng tối. Tình trạng mất điện ở Thượng Hải và khắp miền Nam Trung Quốc được chính phủ giải thích là “bảo trì định kỳ” mạng lưới điện.

Tình trạng thiếu hụt trên khắp Trung Quốc đã đẩy giá than tăng cao, đặc biệt khi nền kinh tế nước này đang trong quá trình phục hồi lại nên nhu cầu năng lượng tăng mạnh.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc giá than ở Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục là do các nhà cung cấp điện của nước này phải vật lộn để duy trì nguồn điện trong các đợt nắng nóng. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết tình trạng thiếu điện có thể trầm trọng hơn trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt.

Minh Đức (dịch)