Thế giới

Trung Quốc gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng

Điều này được dự báo ​sẽ thúc đẩy kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đặt mục tiêu ổn định tăng trưởng tỷ lệ GDP.

Với các dự án cơ sở hạ tầng lớn khởi động trên nhiều tỉnh ở Trung Quốc từ đầu năm 2022, việc đầu tư vào tài sản cố định tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà gia tăng nhanh chóng. 

Địa điểm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Nam Ninh và Du Lâm ở Quảng Tây, miền nam Trung Quốc vào ngày 11/1/2022. Ảnh: Tân Hoa xã.

Vào hôm thứ Tư (9/2), tỉnh Hồ Bắc miền trung Trung Quốc, tỉnh Phúc Kiến miền đông Trung Quốc, tỉnh Thiểm Tây miền Tây Bắc Trung Quốc và một số tỉnh khác của nước này đã tổ chức lễ động thổ các dự án xây dựng trọng điểm, trong đó phần lớn là dự án về cơ sở hạ tầng.

Vào hôm thứ Ba (8/2), thành phố Trùng Khánh và Thành Đô ở Tây Nam Trung Quốc cùng công bố kế hoạch tài trợ cho 160 dự án trị giá 2 nghìn tỷ NDT (314,1 tỷ USD). Trong đó, phần lớn là các dự án cơ sở hạ tầng hiện đại trị giá 1,35 nghìn tỷ NDT, bao gồm các cụm sân bay đẳng cấp thế giới, đường sắt cao tốc, đường cao tốc, cơ sở hạ tầng năng lượng...

Vào thứ Hai (7/2), 230 dự án lớn ở tỉnh Phúc Kiến đã bắt đầu công việc xây dựng, với tổng vốn đầu tư là 239,8 tỷ NDT. Trong đó bao gồm 53 dự án cơ sở hạ tầng với tổng vốn đầu tư là 38,85 tỷ NDT.

Ngày 11/1, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện việc triển khai cơ sở hạ tầng một cách phù hợp, thúc đẩy xây dựng 102 dự án lớn đã nằm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của nước này. Ông Yuan Da, người phát ngôn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cho biết chính sách sẽ được xem xét để sớm tạo ra kết quả cụ thể trong quý đầu tiên năm 2022. Một số dự án lớn bao gồm đường bộ, đường sắt, hệ thống giao thông công cộng, sân bay, nhà máy điện hạt nhân, đường dây tải điện và đường ống.

Ông Yao Jingyuan, nhà nghiên cứu tại Văn phòng Tham tán Quốc vụ viện, chia sẻ qua Thời báo Hoàn cầu rằng các biện pháp này sẽ có hiệu quả trong việc giải quyết nhu cầu nội địa đang yếu và tăng trưởng tiêu dùng chậm chạp. Đây vốn là hai điểm yếu chính trong nền kinh tế Trung Quốc hiện tại. Ông cho biết đầu tư cơ sở hạ tầng "là lĩnh vực mà Chính phủ có thể thúc đẩy và việc thúc đẩy lĩnh vực này sẽ giúp giải quyết tình trạng nhu cầu nội địa hiện chậm chạp. Nhu cầu bên ngoài đang khá mạnh, thể hiện qua số liệu xuất khẩu".

Địa điểm xây dựng tuyến đường sắt liên thành phố Hàng Châu-Thiệu Hưng-Thai Châu ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc vào ngày 1/2/2021. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Bộ Tài chính Trung Quốc đã phê duyệt hạn ngạch 1,46 nghìn tỷ NDT đối với trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương trong quý đầu tiên năm 2022, khi quốc gia này tìm cách thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế ổn định.

Theo số liệu từ hãng cung cấp dữ liệu tài chính Wind, trong tháng 1 lượng phát hành trái phiếu địa phương đạt 698,9 tỷ NDT, một bước nhảy vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Trái phiếu mục đích đặc biệt phát hành mới ở mức 484,4 tỷ NDT.

Các chuyên gia nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong năm 2022 có thể thúc đẩy chuỗi công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, giúp tăng trưởng GDP.

Ông Chen Li, giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu Chứng khoán Chuancai có trụ sở tại Bắc Kinh, chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu hôm thứ Năm (10/2) rằng một loạt các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm tiền tệ và tài khóa sẽ cùng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định phát triển kinh tế, vì ổn định tăng trưởng là một nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động kinh tế năm nay.

Ông Chen cho biết: “Vào cuối năm ngoái, các bộ liên quan đã phê duyệt nhiều dự án và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tăng quy mô sử dụng công cụ của mình, điều này tạo nền tảng cho kinh tế mở cửa ổn định”.

Vào tháng 1, ông Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia (NBS), cho biết tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định, vốn là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, sẽ trên đà phát triển trong năm nay với sự tăng tốc các đợt phát hành trái phiếu mục đích đặc biệt và việc khởi công xây dựng nhiều dự án lớn. Quan chức này cho biết Trung Quốc có niềm tin và khả năng đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định trong tương lai, bất chấp những thách thức gia tăng trong năm 2022.

Theo dữ liệu từ NBS, vào năm 2021, đầu tư vào tài sản cố định Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng 0,4% trong khi đầu tư vào phát triển bất động sản tăng 4,4%.

Một đoạn tuyến đường sắt ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến ​​sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định tăng trưởng kinh tế năm nay. Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Truyền thông (BoCoM), một trong những ngân hàng hàng đầu Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trên 5% năm 2022 nhờ chính sách  hỗ trợ của chính phủ.

Bà Wang Tao, người đứng đầu nghiên cứu kinh tế châu Á của UBS, cho biết: "Chúng tôi cho rằng thiết lập đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm mục đích phục hồi. Điều đó sẽ bù đắp phần lớn cho việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đang chậm lại. Trong quý đầu tiên của năm 2022, tiêu dùng yếu nhưng sau đó đã phục hồi".

Phạm Hà Thanh (theo Global Times)