Thế giới

Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu than trong 2 tháng đầu năm

Sự thay đổi trong chiến lược chống Covid-19 của Trung Quốc vào cuối năm 2022 đã làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ than.

Nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2/2023 đã tăng 71% so với mức thấp một năm trước đó do các nhà cung cấp dịch vụ đẩy mạnh dự trữ khi dự đoán nhu cầu tăng mạnh sau khi nước này từ bỏ chính sách zero Covid.

Trung Quốc đã nhập khẩu 60,64 triệu tấn than trong tháng 1 và tháng 2, tăng từ 35,39 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của cơ quan hải quan nước này công bố hôm 7/3. Dữ liệu của 2 tháng được gộp lại do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần bắt đầu vào cuối tháng 1.

Các công ty dịch vụ đã tăng cường mua than nhiệt giá rẻ từ Indonesia. Lượng than nhập khẩu từ Mông Cổ cũng tăng sau khi các biện pháp hạn chế do Covid được dỡ bỏ.

Việc Bắc Kinh thay đổi chiến lược đối phó với Covid-19 vào cuối năm 2022 đã làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi kinh tế trong năm nay, khiến nhu cầu tiêu thụ điện và than tăng lên.

Vào tháng 1, Trung Quốc đã nới lỏng một phần lệnh cấm không chính thức đối với việc nhập khẩu than của Úc trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đang được nối lại. Kể từ đó, ít nhất 8 tàu chở 700.000 tấn than của Úc đã cập cảng Trung Quốc, nhưng các lô hàng sẽ mất thời gian để được thông quan.

Công nhân phân loại than gần một mỏ ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, phía bắc Trung Quốc. Ảnh: Japan Times

Tháng 12/2022, các nhà phân tích từ tổ chức nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie dự báo nhu cầu than của Trung Quốc sẽ tăng 2% trong năm 2023.

Tuy nhiên, mức tồn kho than cao tại các cảng và cơ sở tiện ích của Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu từ các ngành hạ nguồn phục hồi chậm hơn dự kiến có thể hạn chế việc nhập khẩu than của quốc gia này trong thời gian tới.

Tỉ lệ sử dụng than tại các nhà máy điện lớn ven biển Trung Quốc đã giảm xuống còn 50%-60% vào cuối tháng 2, so với khoảng 70% vào tháng 1, do nhu cầu sưởi ấm dân cư giảm trong bối cảnh thời tiết ấm hơn, các thương nhân cho biết.

Sản lượng than dự trữ tại các cảng quan trọng phía Bắc nước này cũng giảm từ mức cao nhất gần 3 năm đạt được vào giữa tháng 2 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ trong 5 năm qua.

Một nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: China Dialogue

Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sản xuất than ở Trung Quốc bị hạn chế bởi các chính sách bảo vệ môi trường và các yếu tố khác.

Trong những năm gần đây, một số mỏ than vừa và nhỏ đã phải cắt giảm, thậm chí ngừng sản xuất do các công trình bảo vệ môi trường không đáp ứng tiêu chuẩn.

Trong khi đó, chi phí khai thác tăng đã khiến giá than tại Trung Quốc cao hơn giá than quốc tế. Chẳng hạn, năm 2019, giá than nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ ở mức 78 USD/tấn, thấp hơn khoảng 10% so với than sản xuất trong nước.

Theo các nhà nghiên cứu, chi phí logistics cho than nhập khẩu rất thấp vì than nhập khẩu chủ yếu vào Trung Quốc bằng đường biển. Trong khi chi phí logistics cho than trong nước cao hơn nhiều do giá dầu tinh chế ở Trung Quốc đắt hơn so với các nơi khác trên thế giới, và phí cầu đường cao tốc quá cao. Đó là lý do Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn than hàng năm.

Nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng từ 204,06 triệu tấn năm 2015 lên 299,67 triệu tấn vào năm 2019. Năm 2020, do sự bùng phát của Covid-19 và quan hệ giữa Trung Quốc và Úc xấu đi, nhập khẩu than của Trung Quốc có xu hướng giảm. Năm 2021, lượng than nhập khẩu của Trung Quốc đạt xấp xỉ 323,21 triệu tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Yahoo!News)