Tiêu dùng & Dư luận

Trung Quốc: Phát hiện một cửa hàng cho ma túy vào mỳ để thực khác quay lại

Kiểm tra đột xuất nhà hàng, lực lượng chức năng phát hiện một gói bột ốc có kết quả dương tính với morphine và 76 gram bột hạt anh túc.

Một vụ việc vô cùng nghiêm trọng vừa xảy ra tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo đó, để hút nhiều thực khách hơn, chủ một nhà hàng ở đây đã trộn thêm thuốc phiện khiến khách hàng bị nghiện món ăn, buộc họ phải quay lại thường xuyên hơn.

Vụ việc chỉ bị phát giác sau khi một thực khách nam ở địa phương đi xét nghiệm và phát hiện dương tính với morphine - một thành phần có trong thuốc phiện. Người đàn ông này rất sốc và cương quyết khẳng định không hề dùng chất kích thích. Khi nhớ lại, anh ta cho biết, chỉ thường xuyên ăn món mỳ tại một nhà hàng tại địa phương.

Ảnh minh họa

Sau lời khai của vị này, cảnh sát tỉnh Quảng Tây kiểm tra đột xuất nhà hàng và phát hiện một gói bột ốc có kết quả dương tính với morphine. Cơ quan giám sát thị trường tại quận Sanjiang tới nhà hàng kiểm tra thì phát hiện 76 gram bột hạt anh túc. Tại đây, chủ nhà hàng thừa nhận đã sử dụng loại bột này làm nguyên liệu bí mật khiến khách hàng nghiện và phải quay lại thường xuyên.

Hình thức trộn thêm thuốc phiện vào món ăn để tăng doanh thu kinh doanh không phải là mới ở Trung Quốc. Những trường hợp đầu tiên bị phát hiện có từ năm 2014 khi Công an tỉnh Thiểm Tây cũng phát hiện 35 cửa hàng bán mì dùng thuốc phiện làm phụ gia. Trong số những nhà hàng bị phát giác, thậm chí gồm cả nhà hàng có danh tiếng tại Bắc Kinh, vốn nổi tiếng với món tôm hùm cay.

Theo một báo cáo của hãng tin Tân Hoa Xã năm 2014, bột hoa anh túc có thể dễ dàng mua tại các chợ ở miền tây Trung Quốc với giá khoảng 60 USD/kg. 

Bột hoa anh túc thường được trộn lẫn với bột ớt hay tương ớt nên rất khó bị phát hiện, trừ khi được đưa vào phòng thí nghiệm phân tích.

Việc sử dụng thêm cây thuốc phiện vào món ăn là vi phạm Luật An toàn thực phẩm tại Trung Quốc, trong đó nghiêm cấm các cửa hàng bán thức ăn làm từ hóa chất hoặc nguyên liệu phi thực phẩm, ngoại trừ các phụ gia thực phẩm. Những vi phạm này có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù.

Vậy nhưng bất chấp những cam kết của chính phủ nước này trong việc tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng Trung Quốc phải đối mặt với nỗi sợ hãi về thực phẩm bẩn, từ sữa bột trẻ em nhiễm độc đến thịt, hoa quả giả, hay hải sản bị bơm chất gelatin.

Lê Lan (Tổng hợp)