Thế giới

Trung Quốc nỗ lực xoa dịu làn sóng tẩy chay bất động sản

Các nhà đầu tư liên tục bán phá giá cổ phiếu của ngân hàng và bất động sản, bất chấp cơ quan quản lý khẳng định sẽ "đảm bảo việc giao nhà".

Các nhà quản lý Trung Quốc mới đây kêu gọi các ngân hàng nước này mở rộng khoản vay cho những dự án bất động sản đủ điều kiện, hỗ trợ đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý của các nhà phát triển bất động sản. Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của giới chức Trung Quốc nhằm xoa dịu làn sóng người dân tẩy chay những dự án bất động sản rao bán trước khi hoàn thiện.

Trong tuần qua, những người mua hơn 230 bất động sản tại 86 thành phố khắp Trung Quốc đã đồng loạt từ chối thanh toán thế chấp cho các căn nhà rao bán khi chưa hoàn thiện nếu họat động xây dựng không được nối lại, theo hãng tin SCMP. Điều này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản vốn đã gây nhiều sức đối với nền kinh tế. 

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Bắc Á và Trung Quốc của Standard Chartered, nhận định những hành động từ phía người mua nhà đã làm gia tăng sức ép khiến chính phủ phải hành động. “Bởi không ai muốn điều này sẽ trở thành rủi ro tài chính. Nếu nó trở thành một rủi ro tài chính có hệ thống sẽ càng khó giải quyết hơn nhiều", ông Ding Shuang nói.

Các nhà phát triển Trung Quốc đã đối mặt với nhiều khó khăn kể từ năm ngoái khi giới chức nước này áp đặt quy định xóa bỏ đòn bẩy tài chính và kiềm chế giá bất động sản tăng cao. Nhiều hãng bất động sản đã rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản và bỏ lỡ các đợt thanh toán trái phiếu.

Hãng tư vấn tài chính Nomura ước tính trong giai đoạn 2011-2020 các nhà phát triển Trung Quốc đã chỉ giao khoảng 60% số nhà bán trước. Dư nợ cho vay thế chấp đã tăng 26,3 nghìn tỷ NDT (3,9 nghìn tỷ USD) trong giai đoạn này.

Báo cáo của Nomura cho biết: "Ngày càng nhiều công ty bất động sản không hoàn thành xây dựng và không kịp giao nhà đã bán trước. Mô hình bán trước như vậy có thể dẫn tới vòng luẩn quẩn, trong bối cảnh sự lây lan các biến thể phụ của Omicron khiến vòng xoáy đi xuống trở nên trầm trọng hơn".

Hình ảnh bên ngoài Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC). Ảnh: Xinhua.

Các nhà đầu tư đã liên tục bán phá giá cổ phiếu ngân hàng ũng như cổ phiếu và trái phiếu của những công ty bất động sản ngay cả sau khi Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý khác để "đảm bảo việc giao nhà" hôm 14/7.

Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc tiếp tục nhắc lại trong một tuyên bố hôm 17/7 rằng sẽ hỗ trợ các chính quyền địa phương thúc đẩy việc giao nhà. Ủy ban bày tỏ tin rằng với những nỗ lực phối hợp "tất cả khó khăn và vấn đề sẽ được giải quyết một cách đúng đắn”.

Cụ thể hơn, cơ quan quản lý kêu gọi các ngân hàng "gánh vác trách nhiệm xã hội" và tích cực tham gia nghiên cứu giải phương án lấp đầy khoảng trống vốn ,nhằm nhanh chóng nối lại việc xây dựng các dự án bất động sản bị đình trệ và sớm giao nhà cho người mua”.

Ủy ban cũng thúc giục các ngân hàng tăng cường kết nối với khách hàng thế chấp đồng thời hỗ trợ mua lại các dự án bất động sản nhằm ổn định thị trường. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn rủi ro đối với các tổ chức cho vay nhỏ.

Chuyên gia kinh tế tại hãng quản lý tài sản Pinpoint Asset cho biết “Giải pháp cuối cùng là chính phủ cần thúc đẩy việc hoàn thành xây dựng và bàn giao các dự án đó, có thể họ sẽ để các nhà phát triển nhà nước tiếp quản".

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, SCMP)