Công nghệ

Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng "cảng dữ liệu tự do" tại Quảng Châu

Trung Quốc sẽ xây dựng một “cảng dữ liệu tự do” tại quận Nam Sa, tỉnh Quảng Châu bằng khoản đầu tư trị giá 31,8 tỷ Nhân dân tệ (5 tỷ USD) theo Nam Phương Nhật Báo.

Cảng Thương mại Tự do cho Dữ liệu Quốc tế Nam Sa, một dự án có diện tích khoảng 182ha được chính quyền trung ương và địa phương xem là dự án hạ tầng số then chốt trong năm 2021, sẽ là dự án thử nghiệm truyền tải dữ liệu xuyên biên giới quan trọng tại Trung Quốc và được hỗ trợ bởi hệ thống cáp quang biển quốc tế dự kiến kết nối với khu vực này.  

Chính quyền quận Nam Sa đã ký các thỏa thuận hợp tác với công ty hạ tầng số China Aviation Cloud và một số ngân hàng để triển khai dự án, dự kiến bắt đầu hoạt động năm 2025. 

Bên cạnh mạng lưới cáp quang biển, dự án này cũng sẽ bao gồm một trung tâm dữ liệu xuyên biên giới, khu công nghiệp dành cho các công ty Big Data và hệ thống viễn thông chi cho Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông (Trung Quốc) - Macau (Trung Quốc), với mục tiêu hỗ trợ thương mại và tài chính xuyên biên giới, phục vụ ngành trí tuệ nhân tạo và nhiều mục đích khác. 

Nam Sa mong muốn trở thành một cổng trung chuyển dữ liệu cho Khu vực Vịnh Lớn và hiện đang nhanh chóng xây dựng các cơ sở dữ liệu, với hai trung tâm dữ liệu mới vừa được hoàn thành ngày 6/1 vừa qua. Chính phủ Trung Quốc cũng đang khuyến khích các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu như vậy.  

Dự án được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống trao đổi dữ liệu giữa Trung Quốc và thế giới trong tương lai. Hồng Kông hiện là thành phố đặt trung tâm dữ liệu của nhiều tập đoàn đa quốc gia nhằm xử lý dữ liệu thu thập từ đại lục. Tuy nhiên, việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát dòng dữ liệu trong thời gian gần đây, bao gồm việc bắt buộc lưu trữ dữ liệu nhạy cảm tại Trung Quốc, đang dần thay đổi trật tự này. 

Luật An ninh Dữ liệu (DSL) có hiệu lực từ tháng 9/2021 và Luật Bảo vệ Thông tin cá nhân (PIPL) có hiệu lực từ tháng 11/2021 đều nằm trong khuôn khổ chính sách kiểm soát dữ liệu chặt chẽ hơn của Trung Quốc. Cả hai văn bản luật đều phạt nặng hành vi thu thập, xử lý, lưu trữ và sử dụng dữ liệu không phép tại Trung Quốc. 

DSL yêu cầu bảo vệ “dữ liệu cốt lõi”, bao gồm dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và lợi ích công. Gần đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) Trung Quốc cũng đã soạn thảo các quy định nhằm ngăn việc chuyển dữ liệu công nghiệp và viễn thông “cốt lõi” ra khỏi Trung Quốc. 

Tùng Phong (Theo SCMP)