Thế giới

Trung Quốc ký nhiều hợp đồng nhập khẩu than cho năm mới

Trung Quốc đã ký lô hợp đồng nhập khẩu than nhiệt trung và dài hạn đầu tiên cho năm 2022 trị giá 2,49 tỷ USD với 12 doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều quốc gia sản xuất than đang thúc đẩy việc bán than cho Trung Quốc, nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới vừa vượt qua tình trạng thiếu điện cách đây vài tháng. Hiện các nhà xuất khẩu than ở Nga, Indonesia và Mông Cổ đều đang thực hiện các bước để tăng cường hợp tác với Trung Quốc.

Hôm 20/12, 12 doanh nghiệp nhập khẩu than của Trung Quốc đã ký lô hợp đồng cung cấp than nhiệt trung và dài hạn đầu tiên cho năm 2022 với 12 doanh nghiệp than đến từ Nga, Indonesia và Mông Cổ trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế về nhập khẩu than tổ chức tại Bắc Kinh.

Lô hợp đồng đầu tiên trị giá 2,49 tỷ USD. Các nhà xuất khẩu than ở 3 nước sẽ cung cấp 25,82 triệu tấn than nhiệt cho Trung Quốc.

Tổng lượng than nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2020 là 300 triệu tấn và các hợp đồng này chiếm gần 10% tổng lượng than nhập khẩu hàng năm của quốc gia này, Han Jianjun, một chuyên gia trong ngành ở thành phố Ordos thuộc Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, nói với Global Times.

Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/12, nhập khẩu than của nước này đạt mức cao nhất năm 2021 vào tháng 11, với 35,05 triệu tấn, tăng gần 25% so với so với con số của tháng 10 (26,94 triệu tấn). Trong 11 tháng của năm 2021, nền kinh tế số 2 thế giới đã nhập khẩu tổng cộng 292,3 triệu tấn than, tăng 10,64% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Do nhiều yếu tố, bao gồm đại dịch, thời tiết và địa chính trị trên thị trường than toàn cầu, lượng than nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2022 rất khó dự đoán, nhưng có thể tương đương năm nay”, Han cho biết.

Là một trong những nhà cung cấp than lớn của Trung Quốc, Nga đã cung cấp 47,58 triệu tấn than trong 10 tháng đầu năm 2021, chiếm 18,57% tổng lượng than nhập khẩu của Trung Quốc, Liu Haitao, chuyên gia tại SGS Group, cho biết tại hội nghị.

Liu cho biết, với việc trung tâm sử dụng than toàn cầu chuyển sang châu Á, Nga sẽ chuyển xuất khẩu năng lượng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh nhu cầu than của châu Âu giảm. Nga cũng đang có kế hoạch tái thiết các tuyến đường sắt nối Viễn Đông với Trung Quốc.

Một mỏ than ở Ejin Horo Banner, Khu tự trị Nội Mông, Bắc Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Về than cốc, xuất khẩu của Mông Cổ năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Zhang Juntian, phó tổng giám đốc của Xiamen Xiangyu Group, cho biết.

Theo Zhang, cảng Ganqumaodu, một trong những kênh nhập khẩu than lớn nhất giữa Trung Quốc và Mông Cổ, đã bị đóng cửa nhiều lần do đại dịch và số lượng phương tiện vận tải qua lại hàng ngày bị giới hạn dưới 200, thấp hơn nhiều so với số lượng 600-1.000 phương tiện vào những thời điểm bình thường.

Zhang lưu ý rằng Chính phủ Trung Quốc và Mông Cổ đã đồng ý thúc đẩy thương mại song phương dọc theo biên giới hai nước. Trung Quốc cũng có kế hoạch triển khai các phương tiện vận tải không người lái tại nhiều cảng nối với Mông Cổ để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người lao động.

Minh Đức (Theo Global Times, Reuters)