Thế giới

Trung Quốc giải bài toán việc làm cho thanh niên

Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang đưa ra các gói trợ cấp hàng nghìn USD nhằm thu hút sinh viên mới tốt nghiệp làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu ở vùng nông thôn.

Theo South China Morning Post, chính quyền tỉnh Vân Nam vừa công bố khoản trợ cấp hàng năm lên tới 50.000 nhân dân tệ (7.500 USD) dành cho sinh viên mới tốt nghiệp nếu họ chọn làm việc tại vùng nông thôn và nhận công việc trong lĩnh vực giáo dục, y học, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Đây là số tiền không nhỏ ở một tỉnh mà hầu hết người lao động kiếm chưa đến 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Động thái này được công bố vào ngày 5/6, trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trên toàn quốc và số sinh viên vừa lấy bằng cử nhân ở mức cao kỷ lục.

Tại Trung Quốc, hàng triệu người trẻ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu việc làm. Chính phủ nước này cũng đã ra lệnh cho các tỉnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm giữ tỉ lệ thất nghiệp dưới mức 5,5% trong năm nay.

Dù vậy, theo khảo sát của các đơn vị chức trách, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên 6,1% vào tháng 4 - mức tệ nhất trong 2 năm gần đây và cao thứ 2 kể từ năm 2018. Con số này trong độ tuổi từ 16 đến 24 cũng đạt mức cao kỷ lục 18,2%.

Nhiều nhà nhân khẩu học và chuyên gia cho rằng tình hình sẽ nghiêm trọng hơn khi 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ gia nhập vào thị trường lao động trong năm nay.

Trước tình trạng này, vào tháng vừa rồi, Quốc vụ viện đã công bố gói chính sách nhằm vực dậy kinh tế, trong đó cam kết trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới ra trường.

Chính quyền một số tỉnh cũng bắt đầu triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ ổn định việc làm. Chẳng hạn như tỉnh Liêu Ninh mở các lớp đào tạo nghề miễn phí trong vòng 6 tháng cho sinh viên mới tốt nghiệp và người thất nghiệp đã tốt nghiệp đại học trong vòng 3 năm trở lại.

Tỉnh Hà Nam sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để đẩy mạnh tìm kiếm việc làm và đơn giản hóa quy trình tuyển dụng. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng của bên thứ 3 được thưởng 300 nhân dân tệ cho mỗi vị trí mà họ mang về. Một số trường đại học trên cả Trung Quốc còn trợ cấp cho những sinh viên muốn khởi nghiệp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khi nào các hạn chế nghiêm ngặt và bất ổn liên quan đến đại dịch vẫn được áp dụng, bao gồm cả việc đóng cửa tùy ý trên toàn quốc,  thì sẽ khó cải thiện tình trạng thất nghiệp.

Một báo cáo của Moody’s Analytics vào tuần trước đã chỉ ra rằng quỹ đạo tăng trưởng kinh tế yếu hơn vào năm 2022 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp.

Một số nhà phân tích dự đoán tỉ lệ thiếu việc làm trong năm nay sẽ là 4,2%, tương đương với năm 2020, khi đại dịch lần đầu bùng phát. Trong năm 2018, 2019, các con số này lần lượt là 3,8% và 3,6%.

Người dân Trung Quốc đang ngày càng đặt mục tiêu tìm việc ổn định, thậm chí còn có xu hướng sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng đăng ký những vị trí công vụ an toàn ở thị trấn nông thôn.

Tommy Wu, chuyên gia tại Công ty Oxford Economics (Anh), nhận định, các biện pháp mới ở Vân Nam và một số tỉnh khác sẽ khích lệ doanh nghiệp tuyển dụng người chưa có nhiều kinh nghiệm, đồng thời giúp một số sinh viên mới ra trường có việc làm. Dù vậy, chuyên gia này lưu ý rằng Trung Quốc cần "khởi động lại" nền kinh tế để các điều kiện của thị trường lao động được cải thiện.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Người Lao Động)