Thế giới

Trung Quốc gia tăng nhập khẩu ngô Brazil sau 9 năm

Phần lớn doanh nghiệp Trung Quốc từng không mặn mà với ngô từ Brazil do thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí cao, quy định khắt khe... nhưng tình hình nay đã khác.

Theo thông báo trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày 24/5, Tổng cục Hải quan nước này và Bộ Nông nghiệp Brazil đã ký Nghị định thư về Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu ngô Brazil sang Trung Quốc phiên bản sửa đổi.

Trước đó, Bắc Kinh và Brasilia (thủ đô Brazil) đã ký một nghị định thư vào năm 2014 về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu ngô từ Brazil sang Trung Quốc, tuy nhiên hoạt động thương mại đã diễn ra rất ít do các yêu cầu kiểm tra phức tạp.

Việc Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu ngô từ Brazil trong thời gian gần đây có thể ảnh hưởng đến cơ cấu thương mại ngô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với Mỹ. Trung Quốc đã không nhập khẩu lượng lớn ngô từ Brazil trong vòng 9 năm qua.

Chuyên gia phân tích Liu Dong tại công ty nghiên cứu thị trường Mysteel Grou lưu ý rằng phần lớn các doanh nghiệp Trung Quốc từng không mặn mà với ngô từ Brazil do thời gian vận chuyển kéo dài và chi phí vận chuyển cao, quy định của chính phủ đối với hàng nhập khẩu biến đổi gen cũng dẫn tới khó khăn cho việc nhập khẩu.

Chuyên gia Liu chia sẻ với hãng tin Global Times rằng sẽ mất 2-3 tháng để ngô từ Brazil cập bến các cảng ở Trung Quốc và được đưa vào kho dự trữ quốc gia thay vì phân phối ra thị trường. Báo cáo của Bloomberg mới đây cho biết Trung Quốc đã dự trữ 250 nghìn đến 400 nghìn tấn ngô từ Brazil.

Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận mới của Bắc Kinh với Brazil có thể làm giảm xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, khiến Trung Quốc trở thành đối thủ của những người mua từ Liên minh châu Âu (EU) cũng đang hướng đến nguồn nhập khẩu ngô từ Brazil.

Ông Terry Reilly, chuyên gia tại công ty môi giới hàng đầu trên thị trường nông nghiệp toàn cầu Futures International, cho biết: “Đây là một động thái lớn, là một sự thay đổi trong các luồng thương mại toàn cầu".

Những người nông dân đang vận hành máy gặt ngô trên cánh đồng tại huyện Pingluo, phía tây bắc khu tự trị Hui Ningxia, Trung Quốc vào ngày 2/9/2021. Ảnh: Xinhua.

Chuyên gia Liu nhận định nhu cầu ngô tại Trung Quốc đang gia tăng, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Nhập khẩu ngô của Trung Quốc đạt 11,29 triệu tấn vào năm 2020 và tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 28,36 triệu tấn vào năm 2021. 

Trong năm ngoái, khoảng 70% nhập khẩu ngô của Trung Quốc đến từ Mỹ và 29% đến từ Ukraine. Tuy nhiên, nhập khẩu ngô của Trung Quốc từ Ukraine đã sụt giảm kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ hồi tháng 2, giảm xuống còn 700 nghìn tấn vào tháng 4 vừa qua. Cuộc xung đột đã gây gián đoạn các chuyến hàng lương thực vận chuyển từ khu vực Biển Đen. Chuyên gia Liu đánh giá trong tình hình như vậy việc Trung Quốc mở rộng các kênh nhập khẩu ngô là cần thiết.

Hãng tin Bloomberg cho rằng Trung Quốc gia tăng nhập khẩu ngô từ Brazil có thể khuyến khích nông dân Brazil trồng nhiều ngô hơn, khiến Mỹ mất đi thị phần. Xuất khẩu ngô của Brazil sang Trung Quốc trong tháng 4/2022 đạt 35 nghìn tấn.

Chuyên gia Liu nhận định nhập khẩu ngô từ Brazil phù hợp với tình hình cả hai nước, ngô Brazil có giá cả phải chăng và giúp Trung Quốc giảm rủi ro khi chủ yếu nhập khẩu mặt hàng từ Mỹ. Ông nói: “Hiện tại, giá ngô Mỹ tăng mạnh dẫn đến chi phí nhập khẩu của Trung Quốc gia tăng một cách thụ động. Việc khai thác các nguồn nhập khẩu ngô mới sẽ rất có ý nghĩa đối với Trung Quốc từ khía cạnh an ninh lương thực”.

Nông dân thu hoạch ngô ở thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: WSJ.

Ngô Brazil nhập khẩu hiện có giá khoảng 3.000 NDT (449,82 USD) / tấn, cao hơn một chút so với giá ngô nội địa Trung. Brazil dự báo ​​sẽ có vụ thu hoạch ngô kỷ lục trong vụ mùa năm 2021/2022 bất chấp thời tiết bất lợi tại một số khu vực.

Chuyên gia Liu cho rằng thỏa thuận đang được xúc tiến hơn nữa để có thể đạt được sự tiến bộ, điều này giúp mở rộng các kênh thương mại và cải thiện khả năng của Trung Quốc trong việc ứng phó với rủi ro biến động giá ngũ cốc toàn cầu. Tuy nhiên, các hoạt động nhập khẩu liên quan đến sản phẩm biến đổi gen vẫn cần phải thông qua sự xác nhận của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.

Phạm Hà Thanh (theo Global Times, Reuters)