Thế giới

Trung Quốc chạy đua với mục tiêu năng lượng tái tạo

Bắc Kinh đặt mục tiêu nâng tổng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió lên tới 1.200 gigawatt vào cuối năm 2030, gần gấp đôi mức hiện tại.

Trung Quốc sẽ lắp đặt một lượng công suất năng lượng gió và mặt trời kỷ lục vào năm nay, trong bối cảnh nước này nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và giảm sự phụ thuộc năng lượng từ bên ngoài.

Chuyên gia nghiên cứu Tao Ye của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, cho biết nước này sẽ bổ sung thêm 140 gigawatt công suất từ các nguồn năng lượng sạch.

Động thái là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang chạy đua với mục tiêu năng lượng tái tạo. Các chính quyền địa phương, nhà sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo cũng như các công ty tiện ích lớn thuộc sở hữu nhà nước đang tiếp tục thúc đẩy những kế hoạch đầy tham vọng. 

Bắc Kinh đặt mục tiêu nâng tổng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió lên tới 1.200 gigawatt vào cuối năm 2030, gần gấp đôi mức hiện tại. Họ cũng sẽ giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nỗ lực đạt được mục tiêu trung hòa khí thải cacbon vào năm 2060.

Để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, Trung Quốc - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - đang đưa ra các chính sách cho phép "chuyển đổi xanh và cacbon thấp" trong hệ thống năng lượng vốn truyền thống chủ yếu là than đá.

Một máy bơm dầu lúc hoàng hôn ở Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Tại diễn đàn trực tuyến do Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc (CPIA) tổ chức, chuyên gia nghiên cứu Tao Ye cho biết năng lượng mặt trời sẽ đóng góp khoảng 70-75 gigwatt trong năm nay và tăng lên 100 gigwatt/năm bắt đầu từ năm 2023. Thư ký Wang Shijiang của CPIA cũng cho biết tại diễn đàn rằng việc mở rộng thị trường năng lượng mặt trời nội địa sẽ giúp giảm sức ép và rủi ro từ bên ngoài đối với các nhà sản xuất tấm pin của Trung Quốc, sau khi Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra thương mại về việc họ có hành vi lách thuế hay không.

Việc triển khai năng lượng tái tạo một cách tích cực cũng góp phần tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường hàng hóa toàn cầu đang có nhiều biến động. Với lý do tương tự, Bắc Kinh đang thúc đẩy ngành công nghiệp than nội địa tăng sản lượng, xây dựng và nâng cấp các nhà máy nhiệt điện. Ông Tao Ye nói: “Năng lượng truyền thống của chúng tôi sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhất định".

Mặc dù muốn thúc đẩy năng lượng tái tạo để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng mới, nhưng Trung Quốc vẫn kỳ vọng tiêu thụ than sẽ tăng ít nhất cho đến năm 2025. Các nhà nghiên cứu của State Grid Corporation dự báo Trung Quốc có thể xây dựng thêm 150 GW nhiệt điện than trong giai đoạn 2021-2025.

Trung Quốc cho biết sẽ ưu tiên tiêu thụ than sạch trong khi loại bỏ hơn nữa các mỏ, nhà máy điện, hệ thống sưởi nhỏ và kém hiệu quả. Đồng thời, họ sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động thu giữ và lưu trữ cacbon tại các nhà máy nhiệt điện.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomber, Reuters)