Xi nhan Trái Phải

Trừng phạt trẻ em bằng đòn roi : “Chúng ta đang dựa vào yêu thương để lạm quyền”

Ở Việt Nam, quan niệm giáo dục trẻ em theo kiểu “thương cho roi cho vọt”, đã có từ truyền thống lâu đời. Bởi thế, các nghiên cứu về việc trừng phạt trẻ em ở Việt Nam đều chỉ ra rằng: chính tại gia đình và trong trường học, là những nơi mà trẻ em bị trừng phạt nhiều nhất.

Ở Việt Nam, quan niệm giáo dục trẻ em theo kiểu: “thương cho roi cho vọt” đã có từ truyền thống lâu đời, chính vì thế các nghiên cứu về việc trừng phạt trẻ em ở Việt Nam đều chỉ ra rằng: chính tại gia đình và trong trường học, là những nơi mà trẻ em bị trừng phạt nhiều nhất. Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên, và là nước thứ 2 trên thế giới ký vào Công ước Quốc tế 1990, điều này cũng có thể được hiểu rằng, việc chúng ta chấm dứt bạo lực hay trừng phạt thân trẻ em ở trường học không phải là một lựa chọn, mà là một nghĩa vụ về nhân quyền, về thực hiện quyền trẻ em. Mặt khác, chính Luật Giáo dục của Việt Nam cũng quy định, thầy cô giáo không được: xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.

Vì vậy nếu viện dẫn truyền thống để biện minh rằng chúng ta có thể “nhân danh” yêu thương, trách nhiệm mà dùng đòn roi, đánh mắng trẻ. Nhưng đứng trước pháp luật, chúng ta đã vi phạm! Tôi hiểu rằng, nhiều giáo viên tự thấy rằng họ hành động như bản năng làm cha mẹ truyền thống, với lý lẽ “tôi coi học sinh như con nên mới đánh chửi” nên họ không cảm nhận về mức độ nghiêm trọng của vấn đề ở khía cạnh pháp luật. Ngay kể là cha mẹ, chúng ta thực ra cũng không có quyền, chúng ta đang chính là dựa vào yêu thương để lạm quyền, mà đôi khi chúng ta không thực sự nhận ra.

Một sự thật ở Việt Nam, chính phủ công nhận Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, Quốc hội phê duyệt Luật giáo dục nhưng chúng ta không có hướng dẫn tại trường học để đảm bảo thầy cô thực sự hiểu biết đầy đủ và có được cách thức phù hợp để giáo dục học sinh mà không cần trừng phạt.
Trừng phạt thân thể vốn thường được sử dụng tại trường học trong quá khứ, nó được chấp nhận rộng rãi một cách ngầm ẩn và thậm chí được ủng hộ bởi nhiều cha mẹ. Nhiều thầy cô giáo trước đây khi còn đi học cũng từng nếm trải trừng phạt thân thể và trong vai trò phụ huynh của mình, chính họ cũng sử dụng trừng phạt thân thể khi nuôi dạy con cái mình.

Tôi cho rằng các giáo viên ngày xưa đã hành động phù hợp với kỳ vọng của xã hội thời đó, nhưng ngày nay, xã hội với những quan điểm mới đã thay đổi, pháp luật cũng đã củng cố những quy định mới, chúng ta cũng cần học những phương pháp mới để có được biện pháp giáo dục hiệu quả.

Cô Nguyễn Hà Thành, tham gia làm giảng viên trong chương trình tăng cường các biện pháp giáo dục không trừng phạt trẻ em.

Một điều cũng có thể dễ dàng nhận ra, hiện nay, căng thẳng và áp lực đang đè nặng lên vai thầy cô giáo ở nhiều khía cạnh: chính sách giáo dục thiếu nhất quán, lớp học quá đông, chất lượng đào tạo giáo viên thấp- hầu hết các trường sư phạm không kịp trang bị cho thầy cô giáo những kiến thức ứng xử tâm lý sư phạm cập nhật với xu hướng thời đại, thu nhập giáo viên không đảm bảo, đòi hỏi đôi khi quá mức của nhiều phụ huynh, tâm lý học sinh của thế hệ mà điều kiện vật chất và công nghệ với những đứt gãy của giá trị đã tác động sâu sắc đến các em những áp lực này dồn nén mà không được hỗ trợ kịp thời có thể dẫn đến sự thiếu kiên nhẫn, đôi khi tức giận vô cớ và những pha bộc phát thiếu sự kiểm soát. Những thầy cô giáo, vì nóng giận mà trừng phạt đánh đập trẻ, thường sau đó sẽ tự cảm thấy tội lỗi còn những người đánh trẻ một cách vô cảm thì sẽ càng cứa vào lòng trẻ sự oán giận.

Phân biệt giữa: trừng phạt & kỷ luật tích cực.

Trừng phạt là làm trẻ đau đớn, tổn thương để trẻ sợ mà không tái phạm hành vi xấu hoặc hành vi mà người lớn không mong muốn.

Kỹ luật tích cực được hiểu như một phương pháp giáo dục trẻ dựa trên việc thiết lập những mục tiêu cho việc học tập, lập kế hoạch và tìm giải pháp tiếp cận hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng trẻ em. Kỷ luật tích cực được dựa trên cơ sở cùng thảo luận với trẻ, là sự thấu hiểu, lắng nghe và cùng khuyến khích sự tham gia của trẻ vào việc đặt ra các nguyên tắc, cùng xây dựng các quy định, để trẻ hiểu cả về quyền và nghĩa vụ của mình trong mỗi hoạt động mà trẻ tham gia vào trong gia đình cũng như trong nhà trường. Trao cho trẻ sự hiểu biết về ngưỡng của những hành vi được mong đợi và hành vi lệch chuẩn để trẻ tự điều chỉnh. Và tất nhiên, trong giáo dục, trẻ em học được rất nhiều từ lỗi lầm và từ cách chúng ta ứng xử, định hướng và cả sự khoan dung của cha mẹ thầy cô trước những lỗi lầm đó của các em.

Cô Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 của một trường ngoại thành Hà Nội, từng chia sẻ rất thật lòng với tôi: Trước đây, mỗi khi học sinh lớp cô đi học muộn hoặc một lỗi gì tương đối nặng ở lớp, bị ghi “sổ sao đỏ”, làm cô rất bực bội và mỗi thứ Bảy giờ sinh hoạt lớp, thì thường cả lớp rất căng thẳng với việc vạch tội học sinh. Lẽ tất nhiên, nhiều lúc là cả những lời mắng nhiếc đe dọa đôi khi xúc phạm học sinh khi cô không kiềm chế được. Giờ sinh hoạt lớp thứ Bảy vô tình trở thành nỗi đày đọa, mệt nhọc với cả cô giáo và học trò.

Sau khi tham dự một khóa về Kỷ luật tích cực, cô đã thay đổi phương pháp. Một buổi thứ Bảy sinh hoạt lớp như mọi lần, cô họp cả lớp và muốn tất cả các em cùng đóng góp ý kiến cùng thảo luận về các vấn đề mà học sinh trong lớp hay gặp phải, cùng nhau tìm hiểu từng nguyên nhân và đóng góp ý kiến về cách khác phục, cũng như hình thức kỷ luật cho những trường hợp lặp lại.

Cô không ngờ rằng, đấy lại là một buổi sinh hoạt lớp thực sự ý nghĩa, các em được chia sẻ và nói ra những khó khăn của mình. Rồi chính các học sinh lớp cô đã đưa ra “nghị quyết” về các hình phạt nếu ai đó vẫn “cố tình”vi phạm, như “dọn vệ sinh chính lớp học của các em, quét lớp, lau bàn ghế- thay cho bác lao công 1 ngày trong tuần”. Và kể từ hôm đó, đã 2 tháng, mỗi thứ Bảy sinh hoạt lớp, vẫn bàn ghế đó, lớp học đó, vẫn học sinh và cô giáo này, vẫn là những lỗi lầm to nhỏ khác nhau của tuổi học trò, nhưng trong lòng cả cô giáo và học sinh đã có nhiều thay đổi- vì cả cô và trò đã dần thấu hiểu, sự thay đổi mà áp dụng kỷ luật tích cực và sự thấu hiểu giữa cô giáo và học sinh.

Như vậy là, việc giải quyết các vấn đề về hành vi của trẻ đòi hỏi sự can thiệp mang tính sáng tạo, đồng cảm, hỗ trợ, tôn trọng và chuyên nghiệp, chứ không phải bằng cách đánh và hạ nhục trẻ em, học sinh tại trường học hay kể cả trong gia đình.

Nguyễn Hà Thành
(Giảng viên, chuyên gia về phát triển cá nhân Đại học FPT, Hà Nội; Nghiên cứu sinh Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Quốc gia Trung Chính, Đài Loan.)