Sự kiện

Trùm gỗ lậu “Tùng điếc” và “Lâm chột” qua lời kể của Hạt trưởng Kiểm lâm nơi rừng phòng hộ bị xẻ thịt

Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm huyện Thường Xuân và Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh đều cho hay, “Tùng điếc” và “Lâm chột” là những “ông trùm” gỗ lậu trên địa bàn. Họ đã góp phần tàn phá những cánh rừng phòng hộ tại địa phương, nhưng lại khá manh động, "cáo già" nên việc phát hiện, đấu tranh, xử lý họ gặp rất nhiều khó khăn.

Hé lộ thân thế của trùm gỗ lậu “Tùng điếc” và “Lâm chột”!

Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật vừa có loạt bài điều tra phản ánh tình trạng chặt phá trái phép rừng phòng hộ tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Sau khi những bài viết được đăng tải, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã rốt ráo vào cuộc kiểm tra, lập hồ sơ xử lý. UBND huyện Thường Xuân cũng đã có văn bản phản hồi Người Đưa Tin Pháp Luật thừa nhận, những bài phóng sự điều tra tình trạng phá rừng đăng trên Tạp chí là “có cơ sở”.

Quá trình điều tra, xâm nhập thực tế, PV phát hiện, phần lớn gỗ rừng phòng hộ sau khi được chặt hạ sẽ được cưa xẻ, cắt khúc kéo ra khỏi rừng, bán cho đầu nậu mang đi tiêu thụ. Hai người đàn ông tổ chức thu mua gỗ từ người dân, vận chuyển đi tiêu thụ có biệt danh là "Tùng điếc" và "Lâm chột".

Những cây gỗ tại rừng phòng hộ xã Xuân Chinh bị lâm tặc chặt hạ.

Lâm tặc sau khi chặt hạ chưa kịp đưa gỗ ra khỏi rừng.

Ông Phạm Thăng Long – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân cho biết, trên địa bàn xã Xuân Chinh có 2 người đàn ông với biệt danh “Tùng điếc”, “Lâm chột” thường qua lại liên hệ với người dân địa phương để mua gỗ, tổ chức vận chuyển đi tiêu thụ. Đây là hai “ông trùm” gỗ lậu trên địa bàn, những người này đã góp phần “tiếp tay” triệt hạ những khu rừng phòng hộ tại địa phương. 

Theo ông Long, “Tùng điếc” và “Lâm chột” không phải là người địa phương mà từ nơi khác tới. Hai người này không cư trú tại địa phương, nhưng thường xuyên qua lại địa bàn hơn chục năm nay. Hạt kiểm lâm đã nắm và đưa họ vào “sổ đen”, để theo dõi, nắm di biến động, đấu tranh, xử lý và thực tế đã rất nhiều lần tổ chức vây bắt.

Gỗ rừng được lâm tặc cưa, xẻ thành thanh, đưa ra ngoài bán cho "đầu nậu".

Gỗ rừng phòng hộ được cưa thành khúc, dùng trâu kéo ra ngoài.

Tuy nhiên, do là đầu nậu, không trực tiếp vào rừng chặt gỗ mà họ thường ở ngoài cửa rừng, chờ mua lại gỗ của người dân địa phương khai thác về nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

“Trùm” gỗ lậu tới nhà đánh cán bộ xã vì dám bắt gỗ

Ông Long kể lại, cuối tháng 3/2020, Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân nhận được thông tin có một vụ vận chuyển gỗ lậu bằng xe ô tô tại địa bàn xã Xuân Chinh, nên đã huy động lực lượng, cùng với công an tổ chức chặn bắt.

Phát hiện lực lượng chức năng, đối tượng xịt lốp, điều khiển đã lao xe xuống ruộng để phi tang chứng cứ, gây khó khăn cho kiểm lâm rồi nhanh chóng bỏ chạy vào rừng. Tổ công tác đã thuê phương tiện, kéo chiếc xe và tang vật về trụ sở UBND xã để lập hồ sơ xử lý.

Khi tổ công tác đưa tang vật về qua nhà, “Lâm chột” đã bất ngờ lao xe máy từ trong ngõ ra với mục đích tạo vụ va chạm giao thông, nhằm gây sự với lực lượng chức năng. Với sự kiên quyết của tổ công tác, cuối cùng chiếc xe và tang vật cũng được đưa về đơn vị để lập hồ sơ xử lý.

Ông Phạm Thăng Long - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân dưới sự dẫn đường của PV đi kiểm tra số cây rừng bị chặt phá sau khi Người Đưa Tin Pháp Luật phản ánh.

Lực lượng kiểm lâm huyện Thường Xuân kiểm tra, đánh dấu, lập hồ sơ xử lý gỗ rừng bị lâm tặc chặt hạ dưới sự dẫn đường của PV.

“Khi chúng tôi kéo chiếc xe tang vật và gỗ qua ngõ thì “Lâm chột” lao xe máy từ trong ngõ ra trước đầu xe kéo với mục đích tạo sự việc và chạm giao thông, ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ” – ông Phạm Thăng Long kể lại.

Chiếc xe ô tô chở gỗ lậu bị bắt giữ mang BKS: 38B - 00.552 (Hà Tĩnh). Sau khi vào cuộc xác minh cho kết quả, chiếc xe ô tô này đã bán qua tay nhiều đời chủ và hiện tại không xác định được chủ sử dụng. Khối lượng gỗ lậu các đối tượng này vận chuyển trái phép bị bắt, tạm giữ tại UBND xã Xuân Chinh khoảng 3,5m3.

Chiếc xe vận chuyển gỗ lậu bị Hạt Kiểm lâm Thường Xuân tạm giữ nghi là của "Lâm chột".

Ngày 8/5, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương tiếp tục phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển gỗ lậu tại thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh, với khối lượng khoảng 4,6m3.

Theo ông Long, “Lâm chột” là tay chân, làm việc cho “Tùng điếc”. Hai người này cùng với một số đối tượng khác đã hình thành nên một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép gỗ lậu trên địa bàn.

Ngày 20/5, đi cùng đoàn công tác kiểm tra rừng phòng hộ bị phá dưới sự dẫn đường của PV, anh Vi Văn Dũng – Công chức địa chính (phụ trách lâm nghiệp) xã Xuân Chinh kể lại sự việc mình bị “Lâm chột” tới nhà gây sự, đe dọa, dằn mặt do tham gia bắt gỗ lậu.

Vượt qua con đường đá lởm chởm này, PV buộc phải để lại xe máy bên đường, tiếp tục đi bộ trong quá trình tác nghiệp.

Theo anh Dũng, một buổi sáng giữa tháng 5/2020, anh cùng với tổ công tác của xã Xuân Chinh và Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ trái phép. Gỗ lậu lúc này đã được các đối tượng và người dân mang xuống áo để ngâm nhằm phi tang dấu vết, qua mặt cơ quan chức năng.

Chiều tối cùng ngày, khi anh Dũng đang cùng với gia đình ở trong nhà thì “Lâm chột” tới hỏi thăm. Dù không có mâu thuẫn gì với nhau, nhưng bất ngờ anh này đã bị “Lâm chột” dùng tay đấm liên tiếp hai phát vào ngực. Sau khi "dằn mặt" cán bộ xã "Lâm chột" liền bỏ đi.

PV phải vượt qua nhiều con suối, đi bộ hàng giờ đồng hồ mới có thể tiếp cận được những cánh rừng phòng hộ bị lâm tặc chặt hạ.

Vắt rừng là "trở ngại" không nhỏ khi chúng tôi tiếp cận, điều tra những khu rừng phòng hộ bị "xẻ thịt" ở xã Xuân Chinh.

Thuốc là có tác dụng cầm vết máu chảy do vắt rừng cắn rất tốt trong những chuyển đi rừng.

Sau khi tiếp nhận thông tin trên, ông Lương Văn Long – Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho biết, sẽ yêu cầu ông Dũng viết đơn trình báo và chỉ đạo công an xã vào cuộc mời “Lâm chột” lên đấu tranh, làm rõ, xử lý.

Trước đó, chiều 20/5, khi PV hóa trang thành người dân địa phương, bí mật xuất phát từ UBND xã Xuân Chinh xâm nhập vào rừng, điều tra tình trạng chặt phá gỗ trái phép tại địa phương này thì chúng tôi bắt gặp nhiều người đàn ông dùng xe máy chở gỗ lậu lao với tốc độ chóng mặt từ trên núi xuống. Theo người dân địa phương, số gỗ trên vừa được người dân khai thác tại rừng phòng hộ, vận chuyển ra ngoài bán lại cho “Lâm chột” và “Tùng điếc”.

PV bắt gặp một người dân địa phương sử dụng xe máy chở rỗ từ rừng ra khi bí mật điều tra tình trạng phá rừng ở Xuân Chinh. 

Ông Lương Văn Long xác nhận, "Tùng điếc" và "Lâm chột" là hai người thường xuyên vào gặp người dân địa phương đặt hàng khai thác gỗ, mua lại để vận chuyển đi tiêu thụ. Xã cũng đã nhiều lần phối hợp với lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ nhiều chiếc xe của các đối tượng này vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi địa bàn. 

Thời gian tới, một mặt xã sẽ kiện toàn ban chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền người dân làm tốt công tác bảo vệ rừng, mặt khác sẽ phối hợp với kiểm lâm, công an cương quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép xảy ra trên địa bàn.