Hồ sơ điều tra

“Trùm” đa cấp Thăng Long đảo hơn 700 tỷ đồng lĩnh án chung thân

Nắm bắt được tâm lý hám lời, muốn kiếm tiền nhanh mà không cần kinh doanh, “trùm” đa cấp Lê Văn Quang đã lập ra hệ thống công ty đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng của 36.000 người bị hại.

Chiều nay (04/8), TAND TP.Hà Nội tuyên án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group) đối với các bị cáo:

Các bị cáo tại tòa.

Lê Văn Quang (SN 1973, cựu Chủ tịch HĐQT Thăng Long Group), Phạm Ngọc Tuân (SN 1985, cựu Giám đốc công ty Nhượng quyền Thăng Long), Vũ Đình Hùng (SN 1983, cựu Phó giám đốc công ty Nhượng quyền Thăng Long), Đỗ Văn (tên gọi khác là Michael Do, phụ trách IT công ty Nhượng quyền Thăng Long, cựu Giám đốc IT Thăng Long Group), Huỳnh Trọng Nghĩa (SN 1988, cựu Giám đốc truyền thông công ty Nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Hồng Thái (SN 1980, cựu Giám đốc đào tạo công ty Nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Thành Nam (SN 1982, cựu Phó giám đốc phụ trách đào tạo công ty Nhượng quyền Thăng Long), Hoàng Hải Yến (SN 1980, cựu Giám đốc tài chính công ty Nhượng quyền Thăng Long).

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với tổng thiệt hại được xác định là hơn 706 tỷ đồng.

Tài liệu tố tụng nêu rõ, nắm bắt được tâm lý hám lợi, mong kiếm tiền nhanh chóng, không cần kinh doanh, chỉ cần nộp tiền và thu lợi nhuận cao; Lê Văn Quang lập ra một hệ thống các công ty gọi là Thăng Long Group và xây dựng các hình ảnh quảng cáo, trong đó, Quang giới thiệu là Chủ tịch HĐQT và bổ nhiệm nhiều chức danh cho đồng bọn.

Mục đích, các bị cáo muốn tạo ra sư tin tưởng Thăng Long Group là một tập đoàn lớn mạnh.

Quang và đồng phạm còn thành lập ra công ty nhượng quyền Thăng Long và xin giấy phép kinh doanh đa cấp của bộ Công Thương để tạo vỏ bọc hợp pháp thu hút người bị hại nộp tiền để chiếm đoạt tài sản thông qua các chương trình nộp tiền mua đơn hàng vào công ty để được hưởng tiền thường gấp nhiều lần mà không có tính khả thi như: mua đơn hàng trị giá 31 triệu đồng sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua đơn hàng 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng…

Chưa hết, các bị cáo còn tổ chức tuyên dương được nhận hàng tỷ đồng/tháng và lên bục vinh danh trước sự chứng kiến của hàng nghìn người tại hội nghị chi thưởng thù lao nhằm thúc đẩy tâm lý làm giàu của người bị hại, để nộp tiền kích hoạt mã số…

Kết quả điều tra đến nay xác định đã có 36.000 người bị hại tin và nộp tiền cho các bị cáo.

Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của người bị hại là hơn 736 tỷ đồng. Các bị can đã chi phí thực tế cho hoạt động mua hàng gần 30 tỷ đồng; còn lại các khoản chi phí bất hợp pháp cho nhà đầu tư để lôi kéo người khác tiếp tục nộp tiền; chi phí hoạt động của các công ty phục vụ cho các hành vi phạm tội của các bị cáo và các khoản hưởng lợi cá nhân của các bị cáo.

Như vậy, tổng thiệt hại của vụ án là hơn 706 tỷ đồng. Cho đến nay, đã có 1.599 người bị hại trình báo và yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền bị chiếm đoạt là hơn 122 tỷ đồng.

Tại tòa các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết nhưng không nhận tội, động cơ, mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các bị hại.

Trên cơ sở các chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, tòa cấp sơ thẩm đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội như cáo trạng quy kết.

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tới quyền sở hữu của các bị hại trên khắp các tình thành, gây mất trật tự an, cần thiết phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc tương xứng với mức độ, tính chất do các bị cáo gây ra; trong đó, Quang được xác định là có vai trò cao nhất.

Vì các lẽ trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Văn Quang tù chung thân; Phạm Ngọc Tuân 19 năm tù, Vũ Đình Hùng 19 năm tù, Đỗ Văn 15 năm, Huỳnh Trọng Nghĩa 15 năm tù, Nguyễn Hồng Thái 14 năm tù, Nguyễn Thành Nam 15 năm tù, Hoàng Hải Yến 9 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho các bị hại.