TV Show

Trụ Vương viết gì mà khiến Nữ Oa nổi giận lôi đình?

Trong tác phẩm Phong thần diễn nghĩa, Trụ Vương vì bị ma sắc khống chế khiến ông bất kính với Nữ Oa, để rồi cuối cùng phải chịu tai hoạ ngập đầu.

Tiểu thuyết thần thoại Phong thần diễn nghĩa viết về sự diệt vong của nhà Thương, cũng là hành trình suy bại của Trụ vương, từ một vị vua có tài “ngồi hưởng thái bình, muôn dân lạc nghiệp, mưa hòa gió thuận, tưởng không có gì sung sướng hơn”, trở thành một hôn quân vô đạo.

Trụ Vương. (Tạo hình trên phim).

Theo Phong thần diễn nghĩa, khi Trụ Vương đến miếu (có bản dịch là đền) Nữ Oa dâng hương, thì bỗng nhiên cuồng phong, lốc xoáy ùn ùn kéo đến, xuất hiện trước mắt Trụ Vương là thánh tượng Nữ Oa, dung mạo giản dị thanh nhã, trang phục màu ngọc bích nhẹ nhàng trong gió, hình dung như người sống chẳng khác gì một nàng tiên, hương trời sắc nước không đâu bì kịp.

Trụ Vương vừa nhìn thấy, thần hồn lập tức điên đảo, sắc tâm khởi lên. Tự nghĩ: “Trẫm tuy là thiên tử cao quý, giàu có bốn biển, nhưng trong tam cung lục viện không thấy có người nào được cái nhan sắc như vậy”.

Sau đó truyền thị vệ đem bút mực đến, đề một bài thơ ngay trên vách tường:

“Phượng loan bảo trướng cảnh phi thường,

Tẫn thị nê kim xảo dạng trang.

Khúc khúc viễn sơn phi thúy sắc;

Phiên phiên vũ tụ ánh hà thường.

Lê hoa đái vũ tranh kiều diễm;

Thược dược lung yên sính mị trang.

Đãn đắc yêu nhiêu năng cử động,

Thủ hồi trường nhạc thị quân vương”.

Tạm dịch:

“Trướng phượng rèm loan thực bất phàm;

Đất nung vàng dát khéo điểm trang.

Dáng mày cong cong hơn núi biếc;

Xiêm y phấp phới tựa dáng lành.

Hoa lê dính mưa tranh kiều diễm;

Thược dược trong sương sinh quyến rũ.

Nếu tượng đẹp ấy có thể động,

Rước về Trường Lạc hầu quân vương!”.

Nữ Oa là vị thần thượng cổ trong thần thoại Trung Hoa.

Thừa tướng Thương Dung thấy vua Trụ đề thơ như vậy thất kinh quỳ tâu:

“Bà Nữ Oa là thần thánh đời thượng cổ. Tôi tưởng bệ hạ chỉ nên dâng hương cầu phước cho mưa thuận gió hòa, sóng trong biển lặng. Còn việc đề thơ có ý trêu cợt như vậy không nên. Xin bệ hạ truyền lấy nước rửa đi kẻo thiên hạ trông thấy truyền ngôn cho bệ hạ không có đức chánh”.

Trụ Vương nói:

“Trẫm thấy tượng thần xinh đẹp, đề một bài thơ tán thưởng chớ chẳng có ý gì khác. Vả lại Trẫm là thiên tử cũng nên để lại mấy vần thơ này cho thiên hạ rõ nhan sắc của bà, và chiêm ngưỡng vần thơ của Trẫm chứ?”.

Lẽ thường, kẻ háo sắc đến đâu thì trước thần phật cũng đều biết mình là người trần mắt thịt, bất giác khởi tâm kính sợ, nào có thể nảy ra cái ý niệm xấu xa đồi bại này? Vậy mà Trụ Vương lại nghĩ ra được lời thơ trêu hoa ghẹo nguyệt, mơ tưởng rước một vị nữ thần về cung để hoan lạc, đó là điều không thể chấp nhận được.

Trụ Vương đã bị hồ ly tinh Đát Kỷ dụ dỗ, dẫn đến quốc gia bị bại vong. (Ảnh minh họa).

Nữ Oa sau khi đọc được bài thơ ấy thì tức tối vô cùng. Bà ngay lập tức vào triều, định tiêu diệt Trụ Vương rửa hờn. Thế nhưng, vừa lướt tới ngoài hậu cung, Nữ Oa bị hào quang cản trở, tính ra mới biết vua Trụ còn hơn hai tám năm nữa mới tận số, liền quay về miếu.

Tuy nhiên, lòng vẫn căm tức không nguôi, bà cho gọi 3 tiểu yêu nơi gò Hiên Viên xuống trần mê hoặc Trụ Vương, hủy diệt nhà Thương. Từ đó, cuộc chiến Tam giới phong thần cũng chính thức mở ra. Kết quả cuối cùng, vì sắc tâm quá lớn nên Trụ Vương đã bị hồ ly tinh Đát Kỷ dụ dỗ, dẫn đến quốc gia bị bại vong.

Quốc Tiệp (t/h)