Giáo dục

Trong vòng 3 năm hơn 40.000 giáo viên bỏ việc "khó chồng khó"

Kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến con số hơn 40.000 người.

Hơn 40.000 giáo viên nghỉ việc trong 3 năm học gần đây

Trao đổi với báo Tiền Phong Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết trong vòng 3 năm học kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến con số hơn 40.000 người. Trong đó 2 năm học có số lượng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là năm 2021-2022 (khoảng 16.000) và năm học 2022-2023 (hơn 13.000). Ban đầu, chúng tôi đánh giá do tác động của dịch bệnh, đời sống khó khăn dẫn đến đội ngũ nhà giáo rời bỏ nghề nhiều như vậy. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lắng xuống, tình trạng đó vẫn tiếp diễn. Bên cạnh con số giáo viên bỏ nghề, trung bình hằng năm có khoảng 10.000 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ.

Đáng chú ý, từ năm 2020 đến nay, ngành mới được giao chỉ tiêu hơn 26.000 biên chế. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và giáo viên được tuyển dụng cho thấy đang có sự chênh lệch rất lớn. Tình hình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, dù được giao biên chế, có chế độ ưu đãi vẫn không tuyển được giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy các môn học như Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Nghệ thuật. Một số tỉnh có chỉ tiêu lại không tuyển được giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Một vấn đề khó khăn nữa là mỗi tỉnh, thành phố có sự quan tâm khác nhau, khó khăn khác nhau dẫn đến đầu tư, đáp ứng điều kiện về trường lớp, phòng học, thư viện, phòng chức năng, phòng học bộ môn… cho đổi mới cũng khác nhau và về cơ bản nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trước khi đổi mới giáo dục phổ thông, ngành vốn dĩ đã có nhiều khó khăn chưa thể khắc phục các điều kiện về cơ sở vật chất, trường, lớp, trang thiết bị dạy học, thì giai đoạn đổi mới, những khó khăn này đã tăng lên nhiều lần bởi yêu cầu đảm bảo các điều kiện ấy phải tốt hơn nhiều lần.

Một bộ phận không nhỏ giáo viên đã chuyển nghề, nghỉ việc chuyển hướng đi xuất khẩu lao động, làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Ảnh minh họa.

Nguyên nhân khiến giáo viên nghỉ việc, bỏ việc

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, từ tháng 1/2021 đến nay, ngành Giáo dục địa phương có hơn 500 giáo viên nghỉ việc. Tình trạng này chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên nghỉ việc, bỏ việc do thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống.

Tương tự, tại một số địa phương như: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…, tình trạng giáo viên bỏ việc vẫn xảy ra.

Theo TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, những khu vực này, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, số giáo viên nghỉ việc do lương, trợ cấp còn thấp, chưa tương xứng, trong khi khối lượng công việc nhiều.

TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh, gốc rễ của vấn đề là giải quyết thu nhập cho giáo viên, nếu không giải quyết căn cơ vấn đề này, giáo viên buộc phải bỏ nghề hoặc làm thêm để đảm bảo cuộc sống.

Hiện, mức lương của giáo viên trung bình 5 - 7 triệu đồng/tháng/người. Mức lương này không phải là cao. Bởi, công nhân lao động phổ thông cũng có thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.

“So sánh như vậy để thấy thu nhập của giáo viên thấp đến mức nào”, TS Hoàng Trung Học nói và đưa ra khuyến nghị, các nhà quản lý giáo dục cấp trường, phòng, sở, bộ phải ngồi lại với nhau để rà soát công tác quản lý giáo viên.

Theo đó, hãy cắt giảm những cuộc thi không cần thiết và loại bỏ sổ sách hành chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm đang chi phối giáo viên. Rũ bỏ tất cả thủ tục hành chính làm giáo viên mệt mỏi, để thầy cô được dành trọn thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục.

Chứng kiến cảnh hàng loạt đồng nghiệp xin nghỉ việc, chuyển việc, cô La Thị Mây - giáo viên Trường Tiểu học Năng Khả ở Na Hang, Tuyên Quang, nhìn nhận, mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng nhưng giáo viên vùng cao sẽ khó khăn hơn nhiều. Cũng vì lương thấp nên không ít đồng nghiệp lặng lẽ bỏ nghề, chuyển việc. “Tiền lương là yếu tố quan trọng, giúp giáo viên có thêm động lực bám trường, bám lớp”, cô Mây khẳng định.

Để “giữ chân” giáo viên bám trụ với nghề, cô Mây cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, dài hơi và mang tính bền vững. Theo đó, tăng thu nhập để giảm nỗi lo cơm áo, gạo tiền cho giáo viên cũng là giải pháp hữu hiệu.

Đề xuất chính sách về thu nhập, điều kiện làm việc để thu hút giáo viên các môn đặc thù

Thông tin trên báo Chính Phủ, tại buổi làm việc với UBND thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy và lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.Hồ Chí Minh về việc chuẩn bị năm học 2023 - 2024, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu, ngành Giáo dục thành phố nghiên cứu đề xuất chính sách về thu nhập, điều kiện làm việc thu hút giáo viên các môn học đặc thù còn thiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học và Tiếng Anh tiểu học để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Tp.Hồ Chí Minh không thể thiếu những giáo viên cần thiết như trên.

Đặc biệt, các chính sách tập trung vào việc thu hút giáo viên theo khu vực đối với các trường học trên địa bàn khó khăn. Cùng với đó, thu hút giáo viên bộ môn còn thiếu nhiều, khó tuyển dụng ở cấp tiểu học và THCS như: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Thể dục, Lịch sử, Địa lý…

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng mức tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên như hiện nay chưa tạo động lực cho giáo viên yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Theo báo Vietnamnet, trước đó ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cho biết có tình trạng bất cập về cơ cấu giáo viên (dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ); thiếu giáo viên ở nhiều địa phương nhưng không tuyển được, đặc biệt là giáo viên dạy các môn học nghệ thuật ở bậc trung học phổ thông; một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển khỏi ngành.

Nguyên nhân chủ yếu là do việc xác định định mức giáo viên chưa phù hợp; chế độ tiền lương, phụ cấp với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên mới rất thấp, không tương xứng với cường độ, áp lực công việc và trình độ đào tạo của giáo viên, chưa tạo động lực cho giáo viên yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới.

Về vấn đề lương và phụ cấp giáo viên thấp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, chế độ tiền lương của giáo viên hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 204/2004 của Chính phủ như viên chức của các ngành, lĩnh vực khác.

Ngoài ra, giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp thâm niên đặc thù. Tại thời điểm ban hành Quyết định 244/2005 của Thủ tướng, mức phụ cấp ưu đãi được tính toán trên cơ sở phù hợp với các quy định chung đối với các ngành nghề khác.

“Tuy nhiên, với mức tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên như hiện nay chưa tạo động lực cho giáo viên yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới”, Bộ trưởng GD&ĐT nhận định.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học để bảo đảm thu nhập cho đội ngũ giáo viên đến khi chính sách tiền lương mới được ban hành.

Trúc Chi (t/h)