Kinh tế vĩ mô

Trồng loại cây gia vị "top đầu", nông dân kiếm trăm triệu mỗi năm

Việt Nam sở hữu loại cây gia vị quý với sản lượng hàng năm thuộc TOP đầu thế giới là cây quế và hồi.

Trồng loại cây gia vị ra hoa 2 lần/năm, nông dân kiếm trăm triệu mỗi năm

Những ngày này, người dân huyện Bình Liêu, Quảng Ninh đang khẩn trương thu hoạch hoa hồi. Vụ năm nay, bà con phấn khởi vì cây hồi vừa được mùa lại vừa được giá. Khắp các cánh rừng, thôn bản đều ngào ngạt hương thơm hoa hồi đã được thu hoạch rồi phơi khô.

Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu ước tính, năm 2022, sản lượng hoa hồi khô đạt 924,4 tấn. Dự kiến năm 2023, toàn huyện thu hoạch khoảng 1.000 tấn hoa hồi.

Cây hồi Bình Liêu không chỉ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống của bà con khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn góp phần phát huy giá trị bền vững từ rừng.

Trao đổi với Vietnamnet, ông Dường Chống Nhì - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, cho biết, thời điểm này người dân trên địa bàn xã đang tập trung thu hoạch hoa hồi. Vụ hồi năm nay, người dân xã Hoành Mô thực hiện thu hoạch từ cuối tháng 8. Đến nay, ước tính toàn xã thu hoạch được gần 100 tấn hoa hồi tươi.

Nếu hoa hồi vẫn giữ được giá tốt như hiện nay, việc thu hoạch hồi sẽ được đẩy nhanh hơn để hoàn thành vào giữa tháng 9.

Cũng theo ông Nhì, hồi là loài cây thuộc loại gỗ nhỡ. Cây trưởng thành cao khoảng 10-15m, thân hồi thẳng, tròn, vỏ màu xám sáng, hoa lưỡng tính, quả phức có hình ngôi sao 5 đến 8 cánh.

Ở huyện Bình Liêu, cây hồi được trồng từ rất lâu đời, tập trung nhiều ở các xã Đồng Văn, Đồng Tâm, Hoành Mô và thị trấn Bình Liêu, tổng diện tích khoảng 7.000ha. Cây hồi được trồng khoảng 16 năm là có thể thu hoạch 2 vụ/năm. Trong đó, vụ Xuân tập trung vào tháng 2, tháng 3; vụ mùa vào tháng 9, tháng 10.

Cây hoa hồi phù hợp với những vùng có khí hậu mát mẻ, biên độ nhiệt dao động lớn giữa ngày và đêm, chính vì vậy chất lượng hoa hồi trồng ở Bình Liêu rất tốt. Nhờ đó, hoa hồi ở Bình Liêu thu hoạch đến đâu là được thu mua, xuất bán hết và mức giá cũng khá cao.

Người dân đi thu hoạch hoa hồi. Ảnh: Báo Vietnamnet.

Đang vào vụ thu hoạch, gia đình ông Dường Chống Thím, thôn Nà Pò, xã Hoành Mô có khoảng 10ha cây hồi đang cho thu hoạch. Năm nay, cây cho hoa ít hơn năm trước, ước tính gia đình ông Thím thu hoạch được hơn 4 tấn, thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Tương tự, nhờ cây hồi gia đình ông Dương Cám Thìn cũng có gần 10ha rừng hồi đang được khai thác thu về 100 triệu đồng/năm.

"Gia đình tôi trồng rừng hồi này vài chục năm nay rồi. Thường thì cứ một năm cây hồi được mùa, cho nhiều quả, thì đến năm sau lại ít đi. Nhưng bình quân mỗi năm, gia đình tôi cũng thu được trên 100 triệu đồng từ vườn hồi", ông Thìn phấn khởi nói.

Là địa phương trồng nhiều cây hồi, ông Chíu Phúc Thành - Trưởng thôn Nà Pò cho hay, toàn thôn hiện có hơn 90 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số.

Những năm trước, đời sống của bà con trong thôn còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo rất nhiều. Nhờ trồng hồi, quế, kết hợp cây dược liệu bản địa và phát triển rừng gỗ lớn, người dân đã vươn lên phát triển kinh tế, từng bước đẩy lùi đói nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tại huyện Bình Liêu, 1ha hồi trồng cho năng suất bình quân 1,5 tấn hoa. 

Để hưởng ứng các chủ trương của huyện, đồng thời, để tạo thu nhập ổn định cho người trồng hồi, thời gian qua đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất, chế biến hoa hồi thành hàng hoá, như tinh dầu, túi thơm… từ đó nâng cao giá trị cây hồi trên địa bàn. Hiện nhiều sản phẩm chế biến từ hoa hồi được huyện Bình Liêu giới thiệu tại các hội chợ, mở rộng thị trường đến các địa phương khác đã và đang được khách hàng khen ngợi, ưa chuộng, qua đó, không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, góp phần xây dựng Bình Liêu ngày càng phát triển bền vững.

Hoa hồi của Việt Nam được thế giới ưa chuộng

Gia vị quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU.

Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển, theo báo Công Thương.

Theo Hiệp hội gia vị thế giới, Việt Nam sở hữu loại cây gia vị quý với sản lượng hàng năm thuộc TOP đầu thế giới là cây quế và hồi. Cụ thể, sản lượng hồi của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới và sản lượng quế đứng thứ 3 trên thế giới và được rất nhiều thị trường săn đón, thu về mỗi năm hàng trăm triệu USD.

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO, trong năm 2020, Việt Nam nằm trong số 4 quốc gia đóng góp tới 98% tổng sản lượng quế toàn cầu. Còn hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Marketsandmarkets.com, với nguồn tài nguyên này, Việt Nam là nhà cung cấp đầy tiềm năng của thị trường gia vị và hương liệu thế giới đã được định giá 21,3 tỷ USD năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD năm 2026.

Chia sẻ với VTV, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết: "Chúng tôi hi vọng trong năm 2023 dự báo con số xuất khẩu toàn bộ ngành gia vị chúng ta có thể đạt trên dưới 1,5 tỷ USD, tăng 7% so với 2022. Tổng khối lượng hàng xuất khẩu đạt 400 nghìn tấn".

Theo Marketsandmarkets.com, thị trường gia vị và hương liệu thế giới đã được định 27,4 tỷ USD vào năm 2026 và các loại sản phẩm gia vị của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển.

Theo thống kê sơ bộ của VPA, trong tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu được 822 tấn Hoa Hồi, kim ngạch đạt 4,9 triệu USD, so với tháng 6 lượng xuất khẩu giảm 20,0%. Một số thị trường xuất khẩu chính của Hoa Hồi Việt Nam bao gồm: Ấn Độ chiếm 54,9%, Hoa Kỳ chiếm 10,6%; Hà Lan chiếm 4,2%… Prosi Thăng Long và Rừng Xanh T & K là 2 doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu đạt 143 tấn và 140 tấn. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Hồi Việt Nam trong tháng 7 chiếm 62,2% đạt 511 tấn và so với tháng trước giảm 9,4%.

Trúc Chi (t/h)