Trồng cây nêu ngày Tết, nhớ ông nội

Đã thành thông lệ, trước đây mỗi dịp tết đến xuân về, ông nội tôi đều trồng cây nêu. Giờ đây ông đã đi xa, gia đình tôi vẫn giữ tập tục tốt đẹp ấy.

Khi còn nhỏ, gần ngày Tết, tôi thường được chứng kiến ông nội đi tìm những vật dụng cần thiết để trồng cây nêu.

Trong trí nhớ non nớt của một đứa trẻ như tôi ngày ấy, tôi không hiểu ông trồng cây nêu để làm gì. Tôi chỉ biết rằng rất thích nhìn ngắm cây nêu vì trong làng tôi còn rất ít gia đình trồng nêu.

Khi đến ngày 23 tháng chạp (tức 23/12 AL), ông đã chuẩn bị xong một ngọn tre già nhưng cành lá còn tươi xanh, ngọn cong hình cần câu. Tiếp đó, ông ngắt những lá cây vạn tuế để buộc xung quanh ngọn tre.

Cây nêu trong phong tục đón Tết của người Việt.

Ông còn kết những bó rơm nếp vàng óng hình quả bầu rồi cuốn quanh thân tre. Tại vị trí này, ông cắm một lá cờ nhỏ hình tam giác màu đỏ.

Cuối cùng, ông đẽo một con cá gỗ, xỏ vào đoạn cuối của ngọn tre. Ở đầu và đuôi của cá gỗ được khoét một lỗ nhỏ, để ròng dây kéo cờ tổ quốc lên trên.

Khi dựng cây nêu, ít nhất phải có từ 2 người trở lên mới có thể dựng được. Ngọn tre nhất thiết phải hướng ra phía ngoài đường. Khi đã yên ổn vị trí cố định, cây nêu được chằng chống cho thật chắc để gió to cũng không thể quật đổ được.

Cây nêu ông nội tôi trồng lúc nào cũng cao chót vót, ngọn tre đung đưa, lá cờ phấp phới bay trong gió. Ai đi qua ngõ nhà tôi cũng đều trầm trồ khen ông nội khéo tay trồng nêu. Tôi có hỏi ông cũng chỉ nói trồng cho đẹp, vì cố giải thích cho một đứa trẻ còn đang mải ăn mải chơi như tôi thì cũng không thể hiểu.

“Đây là phong tục cổ truyền của cha ông ta từ bao đời nay. Sau này rồi cháu sẽ hiểu”, ông tôi cười một cách bí hiểm.

Mãi về sau tôi mới rõ, ngoài việc trông cây nêu ngày Tết để cho đẹp thì mục đích chính đó là xua đuổi quỷ dữ, xua đi những điều xui xẻo để cầu mong một năm mới hạnh phúc, bình an.

Đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng (7/1 AL), cây nêu được ông hạ xuống, những vật dụng cần thiết được ông cất đi để năm tới lại được tiếp tục sử dụng.

Người già như chuối chín cây, quy luật sinh – lão - bệnh - tử không trừ một ai. Thế rồi ông tôi cũng trở về với đất. Khi mùa xuân chuẩn bị sang, lại đến lượt bố tôi trồng nêu. Ngoài việc giữ gìn nét truyền thống thì đó cũng là để tưởng nhớ người đã khuất.

Nhìn cây nêu khỏe khoắn vươn mình lên bầu trời trong xanh đầu năm mới, tâm hồn trào lên một sự hoài cảm khác lạ khó nói thành lời.

Đối với tôi, Tết Nguyên đán không chỉ là sự nghỉ ngơi, vui chơi, ngày đoàn viên mà còn ẩn chứa những tập tục tốt đẹp khiến tôi muốn học hỏi, giữ gìn, gắn bó.

Sau này, dù có đi đâu về đâu, thời gian có bào mòn đi những thứ phù phiếm bề ngoài nhưng chắc rằng, sau bố tôi, cây nêu sẽ tiếp tục được tôi trồng.

Trồng nêu không phải để chơi, đó là nhân sinh quan.