Đời sống

Trốn vào tủ quần áo, nhà tắm có thoát được ngạt khí hỏa hoạn?

Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội nhiều người đã chủ động trang bị các kỹ năng thoát nạn. Liệu chui vào tủ quần áo, nhà tắm có tránh được ngạt khí khi hỏa hoạn?

Khi cháy nhà có nên chui vao tủ quần áo, phòng vệ sinh để thoát nạn?

Vừa qua vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương khiến nhiều người lo lắng.

Đám cháy bùng phát khiến rất nhiều trường hợp vào viện được chẩn đoán bị ngạt khói, suy hô hấp, theo dõi viêm phổi do ngạt khói, ngộ độc khí CO, một số ca đa vết thương, bỏng do nhiệt; gãy xương, chấn thương cột sống…

Những nạn nhân may mắn thoát "cửa tử" chia sẻ khi phát hiện đám cháy, họ vào nhà, đóng chặt cửa, lấy chăn, rèm cửa ngâm nước để bịt các khe cửa; tẩm nước vào khăn, quần áo che mũi miệng, chui vào tủ quần áo rồi gọi và chờ cứu hộ…

Có trường hợp nhảy từ tầng cao, hoặc xuống bằng dây an toàn, có em bé được cha mẹ cho vào trong thùng rồi thả xuống theo dây.

Trao đổi với báo Vietnamnet, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho hay về mặt khoa học, cách chui vào không gian kín như tủ quần áo hay nhà vệ sinh không phải là tối ưu, thậm chí là phản khoa học.

“Trong phòng kín, dù có xả nước lạnh hay quạt thông gió thì dưỡng khí sẽ mất dần sau khi bị các loại khí độc như CO, HCN, CO2... len vào, xâm chiếm không gian của dưỡng khí", bác sĩ Hoàng cho biết. Nguy cơ tử vong do thiếu dưỡng khí, phổi có nguy cơ hít phải luồng khí độc như CO, HCN, CO2... và hơi nóng, khiến cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng bởi khí độc và do bỏng niêm mạc đường hô hấp.

"Nạn nhân bị ngạt khí độc nhanh hơn trước khi bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ", ông nói thêm.

Bên cạnh đó, bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay việc phủ khăn ướt che kín mặt, mũi có thể giúp tránh khói nhưng không ngăn được ngộ độc khí CO. "Trong đám cháy, nếu ở trong phòng kín quá thì dù có khăn ướt vẫn có thể bị ngộ độc khí CO", ông nói.

Chú ý khi xảy ra sự cố cháy, cách phù hợp vẫn là khom lưng, ngồi hoặc bò sát dưới sàn nhà, do đây là vùng không khí có chứa ít khí độc hơn. Đồng thời tẩm khăn/vải ướt che mũi, miệng (trừ phần mắt) để có thể hạn chế tối đa lượng khí độc vào phổi.

Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội gây hậu quả thảm khốc.

Cách thoát nạn khi có đám cháy xảy ra

Thông tin trên báo Chính Phủ, trường hợp đám cháy lớn, diễn biến phức tạp, nguy hiểm phải nhanh chóng thoát nạn an toàn bằng các biện pháp sau:

- Khi phát hiện có cháy ở nhà cao tầng cần bình tĩnh suy sét, tìm lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn thoát nạn "EXIT" hoặc nghe thông báo chỉ dẫn qua loa chỉ dẫn.

- Quá trình thoát nạn hãy thông báo cho các căn phòng lân cận biết có cháy để cùng xử lý và thoát nạn.

- Nếu phải băng qua lửa, khói, khí độc hãy dùng mặt nạ phòng độc hoặc dùng chăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, che bịt kín miệng mũi.

- Khi di chuyển cần thấp người (như cúi khom hoặc bò) và men theo tường.

- Khi mở cửa cần mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ của cửa; khi mở cần tránh mặt, tránh người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nếu nhiệt độ cửa quá cao, tuyệt đối không được mở cửa và tìm ngay lối thoát khác.

- Nếu không có lối thoát khác hoặc không thể ra cửa, hay nhanh chóng di chuyển ra ban công, cửa sổ và hô tô, ra hiệu bằng dùng đồ vật sáng màu. Gọi điện thoại báo cho Cảnh sát PCCC&CNCH số 114 hoặc báo cho người thân.

- Có thể dùng thang, dây, rèm, ga nối lại để xuống đất. Tuyệt đối không nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng chức năng.

Cần trang bị mặt nạ chống độc, thang dây... thoát hiểm

Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ bác sĩ Nguyễn Thiên Trung cho hay, mỗi hộ gia đình nên trang bị mặt nạ chống độc, búa thoát hiểm. Với những người sống tại các khu chung cư cao tầng nên chuẩn bị thêm thang cuốn, thang dây...

Ngoài ra khi có cháy, việc giữ bình tĩnh là điều quan trọng, có thể giúp tăng cơ hội sống sót, nhưng điều này không phải ai cũng làm được.

Bác sĩ Trung hướng dẫn trong tình huống xảy ra hỏa hoạn, điều đầu tiên cần làm là thấm ướt khăn, mền rồi che kín mặt, mũi, sau đó hạ thấp người để hạn chế hít phải khí độc CO khi tìm nơi thoát nạn.

Nếu ở trong phòng rộng, kín và cánh cửa không phải vật liệu dễ cháy (như gỗ) thì có thể đóng chặt cửa rồi dùng quần, áo, khăn... thấm nước che kín các khe hở để khí CO không luồng vào phòng. Với cách này, chúng ta có thể duy trì sự sống trong vòng 30 - 60 phút trong thời gian chờ đội cứu hộ đến.

Khi cháy nổ xảy ra, cần thoát khỏi tòa nhà, có thể dùng búa, rìu, để loại bỏ khung sắt. Người dân nên tận dụng thời gian nhanh nhất để thoát nạn, chứ không nên ở lại để tìm nguyên nhân đám cháy từ đâu ra. Theo đó, cần loại bỏ các khung sắt cố định ở cửa để có lối thoát hiển khi xảy ra cháy nổ. 

Trúc Chi (t/h)