Tiêu điểm thế giới

Trốn khỏi bệnh viện, "Người cây" hối hận quay trở lại vì tình trạng ngày càng xấu đi

Abul Bajandar, người được gọi là “Người cây” đã trải qua 25 cuộc phẫu thuật kể từ năm 2016 ở tay và chân. Tuy vậy, anh đã tự ý rời khỏi bệnh viện vào tháng 05/2018 và mới đây đã phải quay trở lại vì tình trạng ngày càng xấu đi.

 

“Người cây” Abul Bajandar. 

Một người đàn ông Bangladesh có tên Abul Bajandar đã được truyền thông gọi là “Người cây” do trên cơ thể anh xuất hiện những mảng vảy kỳ lạ như vỏ cây.

Abul Bajandar đã trải qua 25 cuộc phẫu thuật kể từ năm 2016 để loại bỏ sự phát triển của những mảng vảy này trên tay và chân tại Bệnh viện Đại học Y khoa Dhaka.

Khi các bác sĩ chuẩn bị thông báo việc điều trị thành công trước khi tái phát, Bajandar đột ngột rời khỏi bệnh viện vào tháng 05/2018 mà không nói câu gì.

Tuy nhiên vào ngày 20/1/2019, Bajandar đã một lần nữa được đưa vào bệnh viện sau khi tình trạng của anh trở nên xấu đi, khi các mảng vảy như vỏ cây gần như bao phủ toàn bộ bàn tay và bàn chân của chàng trai 28 tuổi này.

“Tôi đã phạm sai lầm khi rời bệnh viện. Tôi đã tìm cách điều trị thay thế nhưng vô ích. Tôi hiểu rằng giờ tôi nên ở lại và tiếp tục điều trị ở đây”, Abul Bajandar cho biết.

Samanta Lal Sen, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện cho biết, các bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị cho “Người cây” khi những mảng bám đã gia tăng và lan sang các bộ phận khác trên cơ thể Bajandar.

“Tôi đã yêu cầu Bajandar trở về sớm nhất có thể. Giờ chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu và sẽ phải tiến hành nhiều ca phẫu thuật hơn”, bác sĩ Sen nói.

Sau khi hoàn cảnh đặc biệt của chàng trai “Người cây” lay động cảm xúc của nhiều người, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cam kết sẽ hỗ trợ điều trị miễn phí cho Bajandar. Anh được sống trong phòng bệnh đắt tiền cùng vợ và con gái trong gần 2 năm từ đợt điều trị đầu tiên.

Theo chẩn đoán, chàng trai trẻ Abul Bajandar mắc chứng bệnh biểu bì verruciformis, một tình trạng di truyền cực kỳ hiếm gặp còn được gọi là “Hội chứng Người cây”.

Bác sĩ Sen cho biết, rất ít người trên toàn thế giới mắc bệnh này. Trước đó Bệnh viện Đại học Y khoa Dhaka cũng đã điều trị cho một cô gái trẻ người Bangladesh bị tình trạng tương tự vào năm 2017.

Kiều Trang