Xi nhan Trái Phải

Trốn cách ly hoặc khai báo gian dối dịch tễ Covid-19 sẽ đối mặt với hình phạt dai dẳng về mặt tâm lý

Hiện nay, với sức mạnh đến từ cuộc cách mạng công nghệ số, người dân đã có nhiều công cụ hơn để tương tác, tạo nên làn sóng mạnh mẽ. Và đây cũng có thể là con dao sát thương bất kỳ ai, nếu người đó xâm phạm lợi ích cộng đồng. Nhiều trường hợp trong biến cố dịch Covid-19 lần này là điển hình.

Thời gian gần đây, ở Việt Nam liên tiếp phát hiện người cố tình khai báo gian dối về dịch bệnh hoặc tìm cách để trốn cách ly hoặc sợ cách ly đối với dịch bệnh Covid-19.

Điều này là rất đáng quan ngại, đặc biệt hậu quả xảy ra rất lớn.

Nếu chỉ cách ly 1 người thì công việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, đỡ tốn kém chi phí và đặc biệt là giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đây cũng chỉ là những cá nhân đơn lẻ, không phải hiện tượng phổ biến nhưng số ít người này lại đang gây ra những hậu quả hết sức tai hại, khiến cho hệ thống phòng dịch Covid-19 của cả nước phải chống đỡ hết sức vất vả.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh về quan điểm của Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt, để bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân mới là điều quan trọng.

Mặt khác, Thủ tướng cũng chỉ đạo là phải xử lý nghiêm đối với những người có hành vi khai báo gian dối, giấu và trốn cách ly, không tuân thủ quy trình về y tế. Do đó, nhiều ý kiến đồng quan điểm là phải xử lý nghiêm, tránh lặp lại trường hợp tương tự.

Thực tế, hồi cuối tháng 1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng mới của virus Covid-19

Ai cũng có thể hiểu rằng dịch bệnh này không hề đơn giản, nó cực kỳ nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.

Nếu như có người nhiễm bệnh thì có thể phải cô lập toàn bộ khu phố/làng/xã… nơi họ ở và sinh sống.

Về mặt hậu quả thì ai cũng có thể thấy rõ. Tuy nhiên, đối với những cá nhân này, tôi cho rằng họ cũng đang phải đối mặt với bản án về mặt đạo đức, khi bị dư luận lên án trong thời gian qua.

Nếu họ tiếp cận và biết được các thông tin dư luận chửi bới, mắng nhiếc mình trên mạng, tôi cho rằng, họ sẽ phải trải qua một cuộc chiến về mặt tâm lý khi bị sức ép và lên án mạnh mẽ từ dư luận.

Chưa bàn đến việc áp các chế tài xử lý từ các cơ quan quan chức năng, thì đây cũng là bản án đau khổ về mặt tư tưởng, tâm lý.

Sau khi kết thúc điều trị bị nhiễm dịch bệnh hoặc hết thời gian cách ly, họ có thể còn phải đối mặt với “bản án” tâm lý đó suốt đời.

Đó sẽ là bài học xương máu cho chính bản thân họ và những người khác khi còn ý nghĩ sẽ trốn cách ly hoặc che giấu thông tin về dịch tễ.

Do đó, những người thuộc diện phải cách ly để theo dõi dịch bệnh hay những người có thông tin về sức khỏe của mình có các dấu hiệu liên quan của dịch bệnh thì cần phải thực hiện nghiêm các quy định về cách ly và thăm khám.

Việc này vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng thời, bảo vệ những người xung quanh và cộng đồng. Từ đó, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc, giống như một số trường hợp thời gian qua.

Những tưởng hành vi trốn cách ly hay che giấu thông tin là nhỏ bé nhưng hậu quả của nó lại khôn lường.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.