Xã hội

Trời hạ nhiệt đột ngột, chuyên gia chỉ lời khuyên "vàng" giúp giữ ấm cơ thể

Nhiệt độ xuống thấp mang tới cảm giác rét buốt khiến cơ thể mất nhiệt và dễ sinh bệnh. Để ngăn ngừa bị tê cóng hay giảm thân nhiệt, bạn cần lưu ý như sau.

Những cách chống lạnh hiệu quả

Không phải ủ ấm càng kỹ là tốt: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi nhiệt độ giảm sâu, trẻ rất dễ bị ốm, nhiễm lạnh, mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhất là với những trẻ phải đến trường trong ngày lạnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý, với trẻ đi học trong buổi sáng rét mướt, cha mẹ phải giữ ấm toàn thân cho trẻ. Cha mẹ cũng lưu ý đeo khẩu trang, đội mũ ấm đầu khi đưa trẻ đến trường, tránh trẻ bị nhiễm lạnh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, không phải ủ ấm càng kỹ là càng tốt. Việc làm này đôi khi lại có thể gây thêm bệnh cho trẻ. Bởi thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn rất nhạy cảm với những thay đổi thời tiết đột ngột. Khi mặc quá kín, ủ quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, ngực, đầu rồi ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi... Việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, viêm nhiễm trên da khiến trẻ bứt rứt, khó chịu.

Ngoài ra, trời lạnh cha mẹ thường có thói quen giữ trẻ trong nhà kín gió, không cho ra ngoài. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ thiếu vitamin D, giảm sức đề kháng, dễ lây các bệnh truyền nhiễm.

Cần để ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong mùa lạnh: Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, trong những ngày thời tiết lạnh sâu, cha mẹ cần chủ động theo dõi nhiệt độ thời tiết trong ngày qua bản tin thời sự để cân nhắc có nên đưa trẻ tới trường hay không. Đặc biệt, cần để ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong mùa lạnh. Khi trẻ bị ho kéo dài thì cần đưa trẻ đi khám chứ không nên tự ý mua thuốc, mua kháng sinh cho trẻ về điều trị tại nhà.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo: "Để phòng, chống các bệnh thường gặp vào mùa Đông, các nhà trường cần tuyên truyền để học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Phòng y tế trường học cần rà soát danh mục các loại thuốc theo quy định, sẵn sàng sơ cấp cứu cho học sinh nếu các em mắc những bệnh thông thường, nhưng quan trọng nhất là phải có phương pháp giữ ấm cơ thể cho học sinh”.

Nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây để nâng cao sức đề kháng. Các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế… giúp giữ ấm rất tốt, giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa.

Ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Ảnh minh họa.

Hạn chế để tay chân lạnh, cơ thể run rẩy: Nhiệt độ giảm nhanh khi trời rét bạn cần mặc ấm với quần áo chống gió, cài chặt khuy áo, dây khóa, đừng quên đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai và vào ngay phòng kín khi bắt đầu cảm thấy lạnh. Nếu bạn chuẩn bị đi ra ngoài, đừng bỏ qua hiện tượng run rẩy của cơ thể. Đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể mất nhiệt và là tín hiệu báo bạn cần nhanh chóng trở về nhà. Đặc biệt, bạn cần tránh tiếp xúc đột ngột với lạnh. Khi đi từ trong nhà ra ngoài, hãy mở cửa chậm để cơ thể thích nghi dần. Tuyệt đối không lao ngay ra ngoài vì dễ sốc nhiệt.

Tuyệt đối tránh uống nước lạnh, đồ có cồn: Vào mùa lạnh bạn nên tăng cường uống nước ấm, trà gừng, trà thảo mộc, nước trái cây trong những ngày mùa đông lạnh giá. Hãy nhớ, nước lạnh, đồ uống có cồn làm cơ thể mất nhiệt nhanh hơn. Trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức giấc, nên uống sữa ấm hoặc mật ong để tốt cho đường hô hấp và giữ thân nhiệt.

Thường xuyên luyện tập trong nhà: Cần xoa xát da để làm giãn mạch máu đưa nhiều chất dinh dưỡng đến nuôi da. Đặc biệt, để giữ ấm cơ thể, chống lạnh rét mùa đông, bạn cần tăng cường hoạt động, lao động chân tay để cơ thể sản sinh nhiều nhiệt. Buổi tối, hãy ngâm chân vào nước muối ấm để điều hòa khí huyết, giữ ấm cơ thể.

Không tắm khuya: Tuyệt đối không tắm khuya, lâu, hoặc tắm nơi không kín gió. Sử dụng nước ấm để vệ sinh thân thể. Trẻ em chỉ cần lau người, rửa chân tay mặt mũi sạch bằng nước ấm trong phòng kín gió, có thiết bị sưởi và ủ ấm ngay để không bị nhiễm lạnh.

Luôn nghĩ về những điều hạnh phúc: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các kỷ niệm cũ có thể làm ấm trái tim của bạn. Những người tham gia trong nghiên cứu này sau khi hồi tưởng lại các kỷ niệm cũ sẽ có khả năng chịu lạnh cao hơn. Do vậy, nếu bạn đang phải đứng đợi ai đó ngoài đường trong thời tiết giá rét, hãy hồi tưởng lại những kỷ niệm vui, những ký ức hạnh phúc. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều.

Ăn gừng giữ ấm cơ thể: Gừng là một loại thảo mộc có tính chất kích thích. Điều này có nghĩa là gừng có khả năng tăng lưu thông tuần hoàn. Gừng có thể giúp bạn làm ấm từ bên trong. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể phụ thuộc hoàn toàn vào gừng (và các loại thảo mộc khác) chỉ để làm ấm cơ thể. Một số số loại thảo mộc khác sẽ khiến bạn đổ mồ hôi và do vậy thay vì làm ấm cơ thể, sẽ làm bạn lạnh hơn.

Mặc ấm một cách thông minh: Mặc nhiều lớp sẽ giúp lưu giữ nhiệt và dự phòng tình trạng vã mồ hôi (sẽ khiến bạn cảm thấy lạnh). Len là một trong những vật liệu cách nhiệt tốt nhất.

Trúc Chi (theo Zing, Đại Đoàn Kết)