Góc nhìn luật gia

Trò đùa chỉnh sửa kết quả dương tính có nguy cơ truy cứu hình sự

Trong lúc dịch covid-19 phức tạp, những trò đùa như thế này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng chống dịch, có nguy cơ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trò đùa tai hại 

Sáng 3/12, bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng cho biết, đang xử lý 1 nhân viên đã sửa kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bị sửa kết quả từ âm tính sang dương tính rồi tung lên mạng xã hội. 

Trước đó, vào chiều 2/12, trên mạng xã hội xuất hiện 1 giấy xác nhận kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 của bà N.T.K.A (SN 1976), ngụ quận Liên Chiểu.

Giấy xét nghiệm này do Phó Giám đốc trung tâm Y tế quận Liên Chiểu ký và đóng dấu, đơn vị thực hiện xét nghiệm là trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng, nơi lấy mẫu là trung tâm Y tế quận Liên Chiểu.

Văn bản giả mạo khiến dư luận "giật thót".

Theo bác sĩ Sỹ, bà A. là nhân viên của trung tâm Y tế quận Liên Chiểu. Bà được trung tâm ban hành giấy xác nhận với kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Mục đích của giấy xét nghiệm để bà A. tham gia lớp học điều dưỡng tại bệnh viện Đà Nẵng.

Bà A. nhận được giấy xét nghiệm và để lại nơi làm việc là khoa Nhi của trung tâm y tế quận Liên Chiểu. Điều dưỡng M. thấy và đã chụp lại.

Sau đó, chị M. sửa kết quả âm tính thành dương tính và gửi vào 1 nhóm kín trên mạng xã hội Zalo của các điều dưỡng ở khoa Nhi với mục đích trêu đùa. Giấy này sau đó bị tung ra ngoài và tuồn lên mạng xã hội Facebook khiến dư luận hoang mang.

Hiện, trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đã yêu cầu điều dưỡng M. làm bảng kiểm điểm và tường trình sự việc.

Bác sĩ Sỹ khẳng định, đơn vị sẽ xử lý các cá nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch và báo cáo sự việc lên sở Y tế để đề nghị phòng An ninh chính trị, Công an TP.Đà Nẵng vào cuộc tìm, xử lý các cá nhân đưa văn bản này lên mạng xã hội.

Cùng ngày, sở Y tế TP.Đà Nẵng phát văn bản, khẳng định trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, không có trường hợp công dân dương tính với SARS-CoV-2.

Người dân cần "đồng hành" cùng ngành y tế để đẩy lùi covid.

Theo đó, ngày 1/12, TP.Đà Nẵng ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đây là trường hợp nhập cảnh vào TP.Đà Nẵng từ Hoa Kỳ trên chuyến bay VN 431 ngày 23/11 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

Từ ngày 1/9 đến ngày 2/12 trên địa bàn TP.Đà Nẵng không ghi nhận trường hợp N.T.K.A, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP.Đà Nẵng cho hay, trong lúc tình hình dịch bệnh covid-19 phức tạp, đơn vị sẽ xử lý rốt ráo đối với những trường hợp này tránh trường hợp hoang mang dư luận.

Thôi đồn đoán, hãy thực hiện “5K”

Luật sư Phạm Ngọc Hải, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng nhận định, việc chỉnh sửa, giả mạo kết quả xét nghiệm covid-19 là trái quy định pháp luật. Hình ảnh chụp kết quả xét nghiệm chỉnh sửa này đã được chia sẻ rộng và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Luật sư Phạm Ngọc Hải. 

Nhiều người đã lầm tưởng kết quả xét nghiệm này là thật dẫn đến bất ổn trong quần chúng nhân dân, gây hoang mang dư luận.

Hành vi cung cấp, chia sẻ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đã đăng tải.

Theo vị luật sư, hành vi này càng nguy hiểm hơn khi đặt vào bối cảnh hết sức nhạy cảm là xuất hiện ca dương tính mới với covid-19 và toàn xã hội đang chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Nếu có căn cứ về thiệt hại do hành vi trái pháp luật này gây ra trên 100 triệu đồng hoặc hành vi này gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người vi phạm còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hình phạt tù lên đến 7 năm tùy mức độ vi phạm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Người dân thôi đồn đoán, hãy thực hiện "5K".

Bác sĩ Võ Văn Thu, Giám đốc bệnh viện Tâm Trí, TP.Đà Nẵng chia sẻ, tình hình dịch covid-19 phức tạp, người dân không nên chia sẻ những thông tin thiếu chính xác, tin giả trên mạng xã hội.

Thay vào đó, người dân nên cập nhật những thông tin chính thống từ báo chí, trang thông tin điện tử của thành phố.

Ngoài ra, người dân có thể hỗ trợ ngành y tế thông qua thực hiện “5K là khử khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế”. Trong đó, người dân đặc biệt chú ý đến 2K là khử khuẩn và khẩu trang.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng cũng đồng quan điểm, kêu gọi người dân cần tiếp nhận thông tin chọn lọc và không chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội.

“Mỗi người dân cần tỉnh táo, theo dõi thông tin từ nguồn tin chính thống từ ban Chỉ đạo phòng chống dịch covid-19”, vị này nói.