Đối thoại

Trình 4 chuyên đề Quốc hội lựa chọn giám sát năm 2024

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là một trong 5 chuyên đề đưa ra để lựa chọn giám sát năm 2024.

Tiếp tục phiên họp thứ 22, chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2024.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH lựa chọn 5 chuyên đề, trình UBTVQH lựa chọn 4 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề (2 chuyên đề còn lại giao UBTVQH giám sát và báo cáo Quốc hội).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo dự kiến chương trình giám sát năm 2024.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung trong phần đánh giá chung của báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH.

Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội về tăng cường năng lực, hiệu lực của hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, hoạt động giám sát đạt kết quả tích cực, được Quốc hội, Nhân dân, cử tri ghi nhận.

Báo cáo cũng cần nêu rõ Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm xây dựng thể chế và pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát; chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; lần đầu tiên UBTVQH ban hành Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; việc Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã chứng minh tính đúng đắn trong thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc lựa chọn các chuyên đề giám sát cần đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị gia công thêm nội dung đánh giá về tồn tại, hạn chế trong báo cáo, bởi có lúc, có nơi vẫn chưa sâu sát trong hoạt động giám sát, nhất là tính phản biện trong hoạt động giám sát càng cao, càng kiến tạo phát triển phục vụ cho trước mắt và lâu dài;

Một số kiến nghị giám sát chuyên đề chưa sâu sát, thiếu thực tiễn, tính khả thi chưa cao; việc cử tổ công tác xuống địa phương thực hiện hiệu quả, nhưng cần giảm bớt phiền hà cho địa phương.

Về hoạt động chất vấn, giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường tổ chức hoạt động này, nhất là những vấn đề mới nổi lên.

Công tác chuẩn bị tổ chức cần kỹ lưỡng hơn, đồng thời nghiên cứu sau các phiên giải trình, chất vấn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có ban hành kết luận hay không? Trong báo cáo cũng cần đánh giá thêm công tác phối hợp bên trong với các cơ quan của Quốc hội, vai trò của các cơ quan như kiểm toán, thanh tra…

Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến về việc lựa chọn các chuyên đề giám sát, đề nghị thành viên UBTVQH thảo luận kỹ lưỡng để lựa chọn đúng, trúng với thực tiễn cuộc sống…

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần khoanh phạm vi giám sát lại cho hẹp hơn, để đảm bảo giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tốt các công cụ, số liệu từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tiến hành giám sát.