Dân sinh

Triệu chứng và mức độ nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ

Chưa đầy 2 tuần sau khi những trường hợp đầu tiên được báo cáo tại Anh, số ca mắc bệnh đầu mùa khỉ gia tăng nhanh chóng tại nhiều nước.

Ngày 20/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về sự bùng phát gần đây của bệnh đậu mùa khỉ sau khi hơn 100 ca mắc và nghi mắc được phát hiện ở châu Âu, Mỹ, Australia.

Theo WHO cho biết, số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng khi cơ quan Liên Hợp Quốc mở rộng diện giám sát ở những quốc gia không phổ biến loại virus này.

Điều khiến các chuyên gia lo ngại là sự lây lan bất thường của bệnh. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ thường lưu hành ở châu Phi, đôi khi các trường hợp cá biệt được phát hiện liên quan đến việc đi du lịch nước ngoài. Nhưng Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Liên minh châu Âu cho biết lần bùng phát dịch bệnh này đã ghi nhận những ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng mà không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào với châu Phi. Đặc biệt, cơ quan y tế một số quốc gia đã lưu ý rằng sự lây lan dường như tập trung ở nam giới đồng tính.

Theo truyền thông Anh, Cơ quan y tế công cộng nước này đã kêu gọi khẩn cấp sự hỗ trợ của các nhà virus học để mở rộng quy mô ứng phó với nguy cơ đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa ở khỉ là bệnh do virus thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae gây ra. Nó thường lây lan giữa các loài khỉ ở Trung và Tây Phi, thỉnh thoảng nhảy sang người và tạo thành những vụ dịch nhỏ.

Lần đầu tiên virus này được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958. Năm 1970, người đầu tiên trên thế giới được xác nhận nhiễm loại virus này, là công dân của Cộng hòa Dân chủ Congo.

Theo Newscientist, tính đến ngày 22/5, ít nhất 109 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận trên toàn thế giới, hàng chục ca bệnh khác đang nghi ngờ. Đây là con số do TS Moritz Kraemer tại Đại học Oxford, TS John Brownstein tại Bệnh viện Nhi đồng Boston và các cộng sự tổng hợp.

TS Kraemer và Brownstein cho rằng đây có thể chỉ là tảng băng chìm. "Bệnh có thể phổ biến và lan rộng hơn những gì chúng ta đã phát hiện", TS Kraemer nhấn mạnh thêm.

Đặc trưng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ là các vết phát ban, mưng mủ. (Ảnh: Freepik).

Đậu mùa khỉ lây lan như thế nào?

Theo WHO, bệnh đậu mùa ở khỉ có thể lây truyền khi tiếp xúc với các giọt bắn từ đường thở, tiếp xúc với tổn thương da bị nhiễm trùng hoặc vật liệu bị ô nhiễm. Điều này khiến nhiều người cho rằng virus có thể lây lan trong không khí, khí dung. Song, hiện tại, WHO không sử dụng thuật ngữ này.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố: “Sự lây truyền từ người sang người được chủ yếu xảy ra qua các giọt bắn đường hô hấp lớn. Các giọt bắn đường hô hấp nói chung không thể di chuyển quá vài m, vì vậy cần phải tiếp xúc trực tiếp lâu dài”.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cũng đánh giá virus này thường không dễ lây lan người với người, nên nguy cơ với người dân Vương quốc Anh "vẫn ở mức thấp" trong bối cảnh đợt bùng phát hiện tại.

Bệnh đậu mùa ở khỉ cũng có thể lây lan khi tiếp xúc với quần áo, khăn tắm hoặc giường ngủ của người bị bệnh. Đây không được coi là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tình dục, song, UKHSA cho hay virus có thể lây truyền khi quan hệ tình dục qua tiếp xúc da kề da.

Bệnh cũng có thể bị lây nhiễm từ động vật hoang dã mang virus ở các vùng Tây và Trung Phi. Nếu người nào đó bị cắn, chạm vào máu, chất dịch cơ thể, vết phồng rộp của con vật bị bệnh, virus sẽ truyền từ động vật sang người. Bệnh đậu mùa ở khỉ cũng có thể lây truyền khi ăn thịt chưa nấu chín của động vật bị nhiễm bệnh.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Các triệu chứng đầu tiên của bệnh gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức, theo UKHSA.

Người bệnh cũng có thể bị phát ban, đầu tiên là ở mặt sau đó lan sang những bộ phận khác, bao gồm cả bộ phận sinh dục. Các vết phát ban khá giống thủy đậu trước khi thành vảy.

Bệnh nhân thường phát ban từ 1 đến 3 ngày sau khi sốt, bắt đầu ở mặt và lan sang các bộ phận khác của cơ thể, như lòng bàn tay và lòng bàn chân. Người bệnh bị nổi sần, mụn nước rồi vỡ, đóng vảy, để lại sẹo.

Hiện chưa có phương pháp đặc trị an toàn cho bệnh đậu khỉ nhưng hầu hết các ca đều nhẹ và tự khỏi. Triệu chứng kéo dài từ 2 đến 4 tuần.

Mặc dầu triệu chứng nhẹ hơn đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ được biết tới đã gây ra tỷ lệ tới 10% tử vong ở bệnh nhân nhiễm ổ dịch tại lòng chảo Congo, so với tỷ lệ 30% tử vong do đậu mùa, theo dữ liệu của WHO.

Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em và thiếu niên, và những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ bị bệnh nặng.

WHO cảnh báo: Mắc đậu mùa khỉ khi mang thai cũng dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu...

Mức độ nguy hiểm

Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đôi khi có thể trở nặng với một số ca tử vong ở Tây Phi. Bệnh đậu mùa khỉ được biết tới đã gây ra tỷ lệ tới 10% tử vong ở bệnh nhân nhiễm ở ổ dịch tại lòng chảo Congo, theo dữ liệu của WHO.

Noài ra, tỷ lệ tử vong cao hơn cũng xảy ra ở trẻ em và thiếu niên, và những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ bị bệnh nặng.

WHO cảnh báo: Mắc đậu mùa khỉ khi mang thai cũng dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu...

Tuy nhiên, các cơ quan y tế nhấn mạnh, không có nguy cơ bùng phát nghiêm trọng và rủi ro đối với công chúng rất thấp.

“Các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục để xác định nguồn lây nhiễm. Điều quan trọng là bệnh không dễ lây lan”, ông Colin Brown, Giám đốc Các bệnh nhiễm trùng tại UKHSA nói.

Quốc Tiệp (t/h)