Chính sách

“Triết lý giáo dục lại lỗi hẹn trong dòng chảy lịch sử?”

Dù ban soạn thảo đã giải trình triết lý giáo dục thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự luật nhưng Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận xét triết lý này vẫn còn mờ nhạt.

Triết lý giáo dục của Việt Nam vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong suốt thời gian qua, có ý kiến cho rằng cần đưa triết lý giáo dục vào luật. 

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 21/5 cho hay: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng trong triển khai, phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.

Thực tế Việt Nam vẫn đang thực hiện nguyên tắc này, từ lúc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.

Tham khảo luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng, nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như Dự thảo Luật là thể hiện quan điểm về giáo dục qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật này. Theo đó, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng sắp xếp lại kết cấu Chương I, bổ sung các quy định về mục tiêu (Điều 2), tính chất, nguyên lý (Điều 3) và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam (Điều 4) cùng một số quy định khác của Dự thảo Luật.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hoá) nhận xét, khi đọc các điều luật được viết ra thì thấy triết lý giáo dục chưa được thể hiện một cách toàn diện, khoa học. Cơ quan soạn thảo nêu mục tiêu nền giáo dục đề cao tính nhân văn, nhân dân, dân tộc nhưng vì xác định mục tiêu chính là sự thể hiện của triết lý giáo dục nên soi vào các điều khoản lại thấy những… nghịch lý.

Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hoá).

Ông Thức dẫn chứng, lâu nay ông cha quan niệm đơn giản “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” thì cơ quan soạn thảo luật thể hiện mục tiêu giáo dục cần đạt được với trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi những tiêu chí “trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ”.

“Tôi xin thưa, với các em độ tuổi đó, nếu có đặt Hoa hậu hoàn vũ bên cạnh mẹ các em thì các em cũng sẽ bỏ phiếu, bầu chọn cho mẹ mình là đẹp chứ không phải hoa hậu. Đó mới chính là thể hiện của tính nhân văn. Vậy thì nó sẽ mâu thuẫn gì với mục tiêu xây dựng tố chất “thẩm mỹ” cho trẻ” – đại biểu Thức nhận xét.

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Duy Vượt  (Gia Lai) lại phản bác: “Đừng chẻ triết lý giáo dục ra nữa, chỉ thêm đẻ ra những thí điểm, tập huấn, thực nghiệm… gây lãng phí, tốn kém, tạo gánh nặng thêm cho thầy cô, học sinh, người dân, xã hội”.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận xét, dù ban soạn thảo đã giải trình triết lý giáo dục thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự luật là tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại nhưng vẫn cần làm rõ và đúc rút trong một điều khoản riêng, làm rõ tinh thần một nền giáo dục hiện đại. Theo đại biểu, nội dung này dự thảo luật mới thể hiện một cách mờ nhạt.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng, GS. Trần Ngọc Thêm từng phân tích về triết lý giáo dục với 5 thành tố trung tâm, trong đó tinh thần chủ đạo, tư tưởng là cốt lõi, là cái gốc. Tuy nhiên, đối chiếu với các điều khoản quy định trong dự thảo luật thì sự cụ thể hoá những thành tố này chưa rõ, chỉ thể hiện ở những mục tiêu được liệt kê ra.

“Nói triết lý giáo dục thể hiện như vậy thì có phải là một sự gượng ép?  Việc liệt kê dàn trải không làm nên triết lý giáo dục của quốc gia. Như vậy, một lần nữa, triết lý lại lỗi hẹn trong dòng chảy lịch sử?”, vị đại biểu này đánh giá.

Nhóm PV Quốc hội