Sự kiện

Trèo khỏi khu phong toả ở Hà Nội: Cần lên án và xử phạt thật nghiêm

Theo chuyên gia y tế và luật sư, việc người dân trèo tường, vượt hàng rào trốn khỏi khu phong toả sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho bản thân, xã hội, cần phải lên án mạnh.

Nguy cơ lây cho cộng đồng rất cao

Ngày 31/7, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ban hành quyết định thành lập vùng cách ly y tế tại địa bàn dân cư phường Chương Dương trong 14 ngày do có liên quan đến trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Người dân tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) không được tiếp xúc với người khác; không được ra khỏi vùng cách ly trừ trường hợp đi khám chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp khác. Các hộ gia đình và cá nhân không tuân thủ yêu cầu cách ly sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, vào tối 1/8, lợi dụng thời điểm buổi tối khó quan sát, nhiều người dân trong khu vực phong toả đã tìm cách vượt rào, vận chuyển đồ, thậm chí có cả con nhỏ rời khỏi khu phong toả tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).

Hình ảnh người dân trèo tường, vượt rào thép gai rời khu phong toả khiến nhiều người bức xúc (Ảnh: Dân trí).

Hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã khiến không ít người ngán ngẩm vì ý thức quá kém của một bộ phận người dân.

Trước những hình ảnh không đẹp mắt này, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Ths. Phạm Thị Ngọc Dung, nguyên Trưởng phòng Điều dưỡng, (hiện là chuyên gia về điều dưỡng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) bày tỏ lo ngại về việc người dân trèo tường trốn khỏi khu phong toả.

“Cơ quan chức năng lập hàng rào phong toả khu vực đó là để dễ dàng truy vết, sàng lọc các ca nghi nhiễm, ca nhiễm. Tôi cho rằng, đây là một biện pháp an toàn cho mọi người và cho cộng đồng. Nếu người dân không có ý thức thực hiện theo các quy định, trèo trốn ra ngoài trong khi chưa được sàng lọc loại trừ có nguy cơ hay không thì khi đi ra ngoài sẽ có nguy cơ lây cho cộng đồng rất lớn”, Ths. Dung nhấn mạnh.

Theo bà Dung, khi một bộ phận người dân không chấp hành các quy định thì các cơ quan chức năng cần phải có các biện pháp xử lý.

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, nên các biện pháp, các kế hoạch liên tục thay đổi để phủ hợp thực tế, diễn tiến của dịch bệnh. Vì vậy, theo tôi người dân nên tuân thủ để đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng để sớm nhanh đẩy lùi dịch bệnh”, bà Dung nhấn mạnh.

Vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch

Trong khi đó, trả lời PV, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật LXS (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh. Đây là một việc làm giúp tập trung nguồn lực để khoanh vùng, dập dịch, điều trị cho những người trong vùng dịch bên cạnh đó cũng là cách để để hạn chế dịch bệnh bùng phát diện rộng ra công đồng. Người dân ở cùng bị cách ly y tế sẽ gặp nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt. Tuy vậy, đó là điều người dân nào rơi vào tình trạng đó cũng phải chấp nhận.

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng hành vi của người dân nói trên cần phải bị dư luận xã hội lên án.

“Hành động trốn ra khỏi vùng bị cách ly y tế là hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống dịch. Cần phải bị dư luận xã hội lên án và được cơ quan chức năng xử phạt thật nghiêm”, Luật sư Lực nhấn mạnh.

Vị luật sư này cũng cho biết thêm, người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác. Mức phạt tù tối đa đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. Mức phạt tù tối đa đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. (Áp dụng theo điểm 1.2 mục 1 mục Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19); Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Thanh Lam