Dòng chảy pháp luật

Trên 70 tuổi, vì sao nữ đại gia Bạch Diệp vẫn bị đề nghị án chung thân?

VKS đề nghị tòa tuyên nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp mức án cao nhất trong khung hình phạt.

Sau 5 ngày tạm ngưng, sáng nay (22/3), TAND TP.HCM mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, 73 tuổi, Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương (gọi tắt là công ty Diệp Bạch Dương) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 174, BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Phiên tòa cũng xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng 8 cán bộ Nhà nước liên quan về cùng tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa sáng nay.

Trước đó, do sức khỏe bị cáo Diệp không ổn định nên tòa quyết định ngưng xử để nữ bị cáo này được kiểm tra sức khỏe. Đến sáng nay, chủ tọa phiên tòa cho biết, bị cáo Diệp sức khỏe ổn định, có thể tham gia phiên tòa.

Chủ tọa phiên tòa cũng thông báo kết thúc phần xét hỏi chuyển sang tranh luận. Mở đầu, đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án và có đề nghị cụ thể về việc xử phạt các bị cáo.

Theo đại diện VKS, bị cáo Diệp đã thống nhất với bị cáo Vi Nhật Tảo (Giám đốc tung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM) về việc mang tài sản số 185 Hai Bà Trưng của trung tâm Ca nhạc nhẹ hoán đổi với khu đất số 57 Cao Thắng.

Chủ trương hoán đổi này sau đó được cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM thông qua, và có đề xuất UBND TP.HCM về việc đồng ý hoán đổi.

Dưới sự tham mưu của nhiều cán bộ Nhà nước, khu đất số 185 Hai Bà Trưng cuối cùng được cấp sổ cho công ty Diệp Bạch Dương.

Trong khi khu đất số 57 Cao Thắng không thể bàn giao cho Trung Tâm ca nhạc nhẹ, vì trước đó bị cáo Diệp đã thế chấp, vay hàng ngàn lượng vàng tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – chi nhánh TP.HCM.

Bị cáo Diệp đã có hành vi gian dối khi cung cấp giấy tờ sở hữu khu đất 57 Cao Thắng (bản photo) thể hiện hiện trạng chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm cho Agribank.

Khi được cấp giấy chứng nhận cho khu nhà đất 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp đem thế chấp cho ngân hàng khác vay tiền.

Từ đó, trung tâm ca nhạc nhẹ mất quyền kiểm soát đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại 186 tỷ đồng của Nhà nước.

Đại diện VKS đánh giá, hành vi của bị cáo Diệp là nghiêm trọng. Dù bị cáo đã trên 70 tuổi, sức khỏe hạn chế nhưng cũng cần có mức án nghiêm khắc để răn đe.

Các bị cáo tại tòa.

Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài, bị cáo không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước.

Tuy nhiên, ngày 5/3/2010 bị cáo Tài đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng để lấy tài sản 57 Cao Thắng.

Bị cáo Tài đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra tình trạng pháp lý của khu đất số 57 Cao Thắng. Từ đó, không phát hiện tài sản này đã thế chấp vay vốn tại ngân hàng nên bị bị cáo Diệp lừa.

Tại phiên tòa, VKS ghi nhận bị cáo Tài thành khẩn nhìn nhận trách nhiệm của bản thân. Bản thân bị cáo Tài từng giữ chức vụ cao tại UBND TP.HCM, có nhiều đóng góp cho xã hội…nên cân nhắc xem xét mức án với bị cáo này.

Các bị cáo còn lại, VKS cho rằng, các bị cáo thành khẩn khai báo, có bị cáo mới phạm tội lần đầu, không vụ lợi nên đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét mức án với các bị cáo.

Từ các nhận định trên, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Diệp án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài, Vy Nhật Tảo cùng mức án 5 – 6 năm tù về cùng tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về cùng hành vi thiếu trách nhiệm, đại diện VKS đề nghị tuyên 7 bị cáo còn lại các mức án từ 3 năm tù treo đến 5 năm tù giam.

Về xử lý tài sản, VKS đề nghị thu hồi tài sản 185 Hai Bà Trưng trả lại trung tâm Ca nhạc nhẹ. Tiếp tục phong tỏa tài sản của bà Đào Thị Hương Lan - cựu Giám đốc sở Tài chính (hiện đang bỏ trốn).

Phiên toà đang tiếp tục với phần tranh luận…