Đối thoại

Trên 50% tín nhiệm thấp mà không từ chức thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu

Việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ để đánh giá cán bộ, mà còn để thực hiện các bước tiếp theo như đưa ra khỏi quy hoạch, miễn nhiệm, bố trí công tác khác thấp hơn.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ 12, đại biểu Vũ Hồng Luyến (đoàn Hưng Yên) cho rằng vẫn rất cần thiết lấy phiếu tín nhiệm với người đợi nghỉ công tác, chờ nghỉ hưu.

Theo bà, theo quy định của Luật Cán bộ công chức, viên chức, cán bộ trước khi nghỉ hưu 6 tháng sẽ nhận được thông báo bằng văn bản về việc nghỉ hưu. Trước 3 tháng sẽ được ra quyết định nghỉ hưu.

Do đó, khi được thông báo nghỉ hưu, người này vẫn còn có thời gian công tác tối đa 6 tháng, còn 3 tháng trước khi nhận được quyết định nghỉ hưu.

"Trong 3 tháng, người này vẫn điều hành mọi công việc, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn phù hợp. Người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có cơ sở để tự đánh giá bản thân mình, tự soi, tự sửa", đại biểu Luyến nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị).

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), lấy phiếu tín nhiệm không chỉ để đánh giá cán bộ, mà còn để thực hiện các bước tiếp theo như đưa ra khỏi quy hoạch, miễn nhiệm, bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm với người có tín nhiệm thấp.

Ông cũng góp ý về quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nội dung "sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm".

Cho rằng quy định này là chưa đủ, ông Thắng đề nghị bổ sung thêm "lợi ích vật chất và lợi ích khác", bởi có những lời hứa không phải vật chất như hứa bỏ nhiệm, hứa sắp xếp cho vị trí nào đó hoặc cho cơ hội thăng tiến theo mục đích không trong sáng.

Làm rõ hơn một số nội dung đại biểu ý kiến, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo đã sửa đổi rất nhiều so với quy định trước kia, chỉ giữ lại 2 điều trong 22 điều.

Bà nhấn mạnh dự thảo nghị quyết được xây dựng trên cơ sở Quy định số 96 ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Do đó, những quy định như lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ, không lấy phiếu tín nhiệm người đang chữa bệnh hiểm nghèo không điều hành 6 tháng trở lên là áp dụng theo Quy định 96.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, bà Thanh nêu rõ chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo, không điều hành từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu.

"Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với Quy định 96. Ban đầu ban soạn thảo thiết kế thời hạn là 3 tháng nhưng quá trình lấy ý kiến cho rằng như vậy là quá ngắn và cho rằng 6 tháng trở lên là phù hợp. Vì thế, ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo Nghị quyết", bà Thanh lý giải.

Bà Thanh nói thêm lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai “nấc” khác nhau. Cụ thể, bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm với trường hợp tín nhiệm thấp từ 50% trở lên đến dưới 2/3 tín nhiệm thấp. Nếu họ không từ chức sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó việc bỏ phiếu tín nhiệm, theo bà, thực chất là miễn nhiệm.

Trước ý kiến e ngại, kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp, nhưng tới khi bỏ phiếu lại tín nhiệm cao, bà Thanh nói thực tiễn tổng kết 3 nhiệm kỳ qua, kể cả từ HĐND cấp xã đến Quốc hội chưa xảy ra trường hợp nào như vậy.

Về thời gian từ chức bao lâu, bà Thanh nêu rõ dự thảo nghị quyết quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức. Nếu không xin từ chức sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Bà Thanh cho rằng không bao giờ có chuyện đã lấy phiếu tín nhiệm thấp rồi, đến khi bỏ phiếu tín nhiệm thì lại thay đổi. "Đây chỉ là một kênh để đánh giá cán bộ trong rất nhiều các kênh khác mà thôi", bà Thanh nói.