Đời sống

Trẻ từng là F0 khi nào có thể tiêm vắc xin?

Đối với trẻ từng là F0 cha mẹ cần cho con đi tiêm vắc xin Covid-19 sau khi mắc 3 tháng.

Chia sẻ trên Tiền Phong, đối với tiêm chủng cho trẻ từng là F0, TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương), khuyến cáo cha mẹ cần cho con đi tiêm vắc xin Covid-19 sau khi mắc 3 tháng.

Theo TS Ngãi, trẻ đã mắc Covid-19 vẫn có thể mắc lại. Khi trẻ đã mắc Covid-19 thì nguy cơ diễn biến nặng, có thể tử vong hoặc trẻ có thể mắc hậu Covid-19 và các biến chứng khác.

Để đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, nhất là khi trẻ đã mắc Covid-19 trước đó, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 là 3 tháng kể từ ngày dương tính với SARS-CoV-2.

“Đây là khoảng thời gian được cho là nếu trẻ đã mắc Covid-19 thì cũng gần như đã hồi phục hoàn toàn, đồng thời khả năng bảo vệ tự nhiên thu được khi trẻ nhiễm bệnh cũng suy giảm, vì vậy tiêm vắc xin cho trẻ là phù hợp. Cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ có đánh giá toàn diện, tư vấn và chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ đảm bảo an toàn theo đúng các quy định và hướng dẫn chuyên môn”, TS Ngãi nói.

Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng

Thông tin trên báo Chính phủ, TS.BS Lê Kiến Ngãi cho biết, đối với việc khám sàng lọc, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh; tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi; trẻ có phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó.

Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm chủng là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý,…

TS.BS Lê Kiến Ngãi cũng đặc biệt lưu ý chống chỉ định tiêm đối với nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vaccine COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine.

"Chính vì vậy, các cơ sở tiêm chủng phải nghiên cứu kỹ các thành phần của vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất, để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào của vaccine như muối, lipid, đường… thì phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm", TS.BS Lê Kiến Ngãi cho biết.

Nhóm trẻ đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác, TS.BS Lê Kiến Ngãi cũng lưu ý phải trì hoãn tiêm chủng cho trẻ.

"Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; đang trong đợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị liệu ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi trẻ kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính", TS.BS Lê Kiến Ngãi thông tin.

Với những trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C), cần trì hoãn tiêm chủng cho đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này.

Hồng Anh (Tổng Hợp)