Đời sống

Trẻ mắc Adenovirus tăng nhanh: Các cha mẹ không nên quá hoang mang

Trước tình trạng số trẻ nhiễm virus Adeno gia tăng, theo các chuyên gia, phụ huynh không nên quá hoang mang mà cần tỉnh táo để phát hiện kịp thời và phòng lây nhiễm.

Những ngày qua tại một số tỉnh khu vực phía Bắc liên tiếp ghi nhận 6 trẻ tử vong vì biến chứng của virus Adeno. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá tình hình tại phía Nam, phụ huynh không nên quá hoang mang vì đây là virus xuất hiện mỗi năm.

Ghi nhận của báo Lao Động tại Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2, Tp.HCM, số bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp vẫn nhập viện nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi đề cập đến bệnh nhi mắc virus Adeno, các bác sĩ cho rằng, để xác định được cần thực hiện xét nghiệm mới có thể biết chính xác.

BS.CKII Trần Quỳnh Hương, Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Tp.HCM, cho biết, hiện tại nhiều bệnh viện tại thành phố vẫn chưa có hệ thống xét nghiệm. Đa phần các bệnh nhi nhập viện đều được chẩn đoán lâm sàng.

Virus Adeno nguy hiểm tuỳ từng chủng virus đang xâm nhập trẻ như: Trẻ bị đau mắt đỏ, viêm phổi nặng, viêm kết mạc…. khi mắc thêm virus Adeno tỉ lệ chuyển nặng sẽ cao. Song cũng không ít trường hợp chỉ thoáng qua, không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của trẻ.

"Trong đợt này bệnh nhi mắc virus Adeno không ồ ạt như trước. Cách đây mấy năm có một đợt nhiều bệnh nhi bị sơ phổi nên khi bị virus Adeno tấn công đã để lại di chứng về sau", BS Quỳnh Hương thông tin.

Theo các chuyên gia dịch tễ, Adeno virus là một loại virus khá kinh điển của bệnh hô hấp. Bệnh này có nhiều loại virus tấn công trẻ bất cứ lúc nào. Một số loại virus phổ biến như: Adeno virus, virus cúm, sởi... Tuy nhiên việc chuyển nặng hay nhẹ vẫn phụ thuộc vào cơ địa từng trẻ. Phụ huynh không nên quá hoang mang mà cần tỉnh táo để phát hiện kịp thời và phòng lây nhiễm cho trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM cho biết: “Adeno virus có nhiều mức độ khác nhau, có thể làm lây từ người này sang người khác, khi tấn công con người làm viêm hô hấp trên. Triệu chứng khởi phát thường thấy là nóng, ho, sổ mũi. Một số trường hợp bị đau mắt đỏ hàng loạt, ho kéo dài 2-3 tuần không hết”.

Dưới góc độ dịch tễ hằng năm, đối với những trẻ có cơ địa bị hen suyễn, chậm phát triển, đường hô hấp thường xuyên bị ứ lại làm viêm phổi, điều này sẽ làm nặng hơn tình trạng hô hấp và trẻ có thể bị bội nhiễm.

Virus Adeno thường xảy ra từ tháng 9-12 khi đến mùa bùng phát. Hằng năm vẫn có ghi nhận nhiều trẻ bị viêm phổi đến tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo, virus Adeno lây truyền dễ dàng qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người, lây khi dùng chung đồ dùng cá nhân, lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày và đây là thời kỳ "cửa sổ", khi chưa biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên không thể nhận biết dấu hiệu, chủ quan khi tiếp xúc, rất dễ lây truyền bệnh cho người khác.

Loại virus này có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, trong đó ở nhóm trẻ từ 6-5 tuổi là nguy cơ cao nhất. Người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… cũng có nguy cơ cao nhiễm virus do đề kháng kém.

Về biện pháp phòng bệnh, cần vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.

Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh. Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Trao đổi với Dân Trí, TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện ở Việt Nam, chưa có vắc-xin phòng ngừa virus Adeno, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vắc-xin phòng bệnh đang sẵn có.

Minh Hoa (t/h)