Xi nhan Trái Phải

Trẻ khôn ngoan là trẻ biết cãi

Trong khi cá tính và bản sắc trong mỗi đứa trẻ luôn đáng được đề cao thì ở nhiều nơi học sinh lại đang bị“nhào nặn” theo một cái khuôn để ra một mẫu số chung.

Nói một cách không ngoa rằng giờ không chỉ có bộ quần áo đồng phục mà các trường phát động học sinh mặc với mục tiêu để học trò không phân biệt giàu nghèo, phần lớn học sinh của chúng ta giờ “giống nhau đến quá thể” trong nhiều chuyện, đặc biệt phải kể đến đó là việc từ chối phản kháng với cái sai, cái xấu theo kiểu “cứ để thế có chết ai!”.

Nhiều câu chuyện phi giáo dục vẫn đang diễn ra tại rất nhiều ngôi trường. Nhiều những cư xử bất công, thiếu nhân văn, thậm chí có cả sự xúc phạm danh dự học sinh của thầy cô khiến học trò uất ức, bất bình. Nhưng đối diện trước những điều ấy, phần lớn học sinh đều im lặng. Một sự im lặng đến đáng sợ.

Hậu quả của điều này đã rõ với quá nhiều bằng chứng xót xa: Nghe lệnh cô giáo chủ nhiệm tát bạn, tất cả học trò của lớp 6 ở Quảng Bình răm rắp nghe lời (dù  muốn hay không) và 231 cái tát đã khiến cậu bé 12 tuổi phải nhập viện.

Rồi vì “nể” thầy mà hàng loạt nam sinh của trường dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ nén đau đớn bước qua cánh cửa phòng thầy để phục tùng thú tính của một “ yêu râu xanh” đội lốt nhà giáo. 

Sự từ chối phản kháng của học sinh bắt nguồn chính từ cách giáo dục của thầy cô và trường học. Ảnh minh họa   

Hơn bất cứ ai, học trò là những người đáng thương bởi các em như những tờ giấy trắng, thầy cô và xã hội vẽ lên sao thì ra như vậy.

Sự từ chối phản kháng của các em bắt nguồn chính từ cách giáo dục của thầy cô và trường học.  

Hỏi học trò sao có thể làm khác một khi ý thầy cô được xem như ý trời. Thầy cô đã hạ lệnh thì tất cả học sinh chỉ còn một việc duy nhất là răm rắp làm theo, răm rắp... gây tội và thậm chí thoả mãn vì mình rất ngoan, đã nghe lời cô giáo. Còn thầy cô giáo thì rất hài lòng vì học trò đã răm rắp nghe lời mình. Một vòng luẩn quẩn phi giáo dục cứ thế đeo bám chặng đường trồng người.

Tư duy giáo dục một chiều khép kín thầy nói-trò nghe, tiêu diệt phản biện, tiêu diệt tranh luận đã ngấm sâu ở hầu khắp các trường, tạo thành nếp nghĩ vô cùng nguy hiểm, không “vâng lời” sẽ bị loại bỏ.

Trong khi ở nhiều nước, giáo dục đang đề cao sự phát triển tự nhiên, đề cao tính riêng có và bản sắc trong mỗi học trò thì hiện ở nhiều trường, nhiều thầy cô giáo dường như lại đang nhào nặn học sinh theo một mẫu số chung, một khuôn chung. Tư duy sáng tạo cá nhân hẳn nhiên sẽ bị bóp nghẹt trong khuôn người này.

Có ý chí, có kiến thức, có phản biện, có tranh luận, có tư duy độc lập mới là mục tiêu của con người hiện đại. Vậy cách giáo dục rập khuôn này có đang làm hỏng quá trình đào tạo học sinh?

Và cũng không chỉ ở nhà trường, ngay trong các gia đình cũng cần cởi bỏ quan điểm những đứa trẻ chỉ được coi là ngoan khi làm đúng theo lời bố mẹ, trẻ chỉ được yêu mến nếu suy nghĩ và cảm nhận theo cách bố mẹ. Hãy để những đứa trẻ có quyền tham gia ý kiến. Đừng thấy trẻ phản biện thì nói trẻ hư nếu trẻ biết thể hiện quan điểm một cách lễ phép, chừng mực.

Hãy giúp những đứa trẻ tin rằng mình là người có năng lực và có quyền tự chủ, có khả năng giải quyết các khó khăn của mình. Những tiềm năng riêng sẽ giúp những đứa trẻ thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tích cực.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả