Góc nhìn luật gia

Trẻ em góp ý Luật Đất đai: Không đem lại ý nghĩa thực tiễn cao

Theo chuyên gia, con người phát triển nhận thức theo độ tuổi nên việc lấy ý kiến của trẻ em vào Luật, nhất là trẻ em quá nhỏ tuổi không đem lại ý nghĩa thực tiễn.

Ngày 9/3, Trường Trung học Cơ sở Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tổ chức hoạt động “Lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Tại hội thảo này, học sinh được trao đổi, bày tỏ các quan điểm, ý kiến liên quan Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời được bổ sung kiến thức và hiểu biết thêm các quy định về đất đai, nhất là các quy định liên quan tới trẻ em.

Dù vậy, sự kiện trên vẫn nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, theo đó cũng dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra thảo luận.

Tổ chức cho trẻ em góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) đang mang tính hình thức

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng việc Trường THCS Lương Yên tổ chức lấy ý kiến học sinh như vậy là hành động hưởng ứng Nghị quyết số 670 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Theo đó, đối tượng được lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; Các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Như vậy, đối tượng được lấy ý kiến không loại trừ trẻ em. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, điểm đáng chú ý, trẻ em là đối tượng đặc thù còn đang trong “tuổi ăn, tuổi học”. Đây là đối tượng chưa thực sự hiểu được các quy định trong Luật Đất đai.

Do vậy, ông Tuyến đánh giá việc nhà trường tổ chức hoạt động trên chủ yếu mang tính hình thức, không đem lại ý nghĩa thực tiễn cao.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thuỳ Dung - Luật sư cấp cao của Công ty Luật TNHH LTT & Các Cộng sự cho biết đây là một hoạt động táo bạo và chưa từng có tiền lệ.

“Việc lấy ý kiến của trẻ em có thể đảm bảo quyền của trẻ em theo quy định pháp luật về quyền trẻ em, tuy nhiên các em chưa biết nhiều về các quy định pháp luật nói chung và đặc thù trong lĩnh vực đất đai nói riêng, nên rất khó để đưa ra ý kiến.

Theo tôi, việc lấy ý kiến của trẻ em cũng cần phải giới hạn theo độ tuổi, quy định rõ trẻ em từ bao nhiêu tuổi trở lên sẽ được khuyến khích tham gia góp ý vào điều Luật này", bà Dung chia sẻ.

Hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dưới góc nhìn là một người làm luật, bà Dung cho rằng về nguyên tắc, việc xin ý kiến của trẻ em có thể không trái luật, nhưng hiệu quả của hoạt động này lại là một câu chuyện khác.

Luật sư Nguyễn Thuỳ Dung nhấn mạnh “Trên thực tế, con người phát triển nhận thức theo độ tuổi nên việc lấy ý kiến của trẻ em, nhất là những em độ tuổi quá nhỏ thì sẽ không đem lại ý nghĩa thực tiễn gì, và càng rất khó để có thể góp phần bổ sung hay sửa đổi cho các điều luật này. Việc tổ chức một hoạt động nếu không đem lại hiệu quả thực sự sẽ vừa làm mất thời gian lẫn công sức của cả các em học sinh cũng như ban tổ chức hoạt động”.

Trẻ em nên góp ý thông qua các tổ chức đoàn thể

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, TS. Trần Kiên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật so sánh, Đại học Luật, ĐHQGHN khẳng định việc lấy ý kiến trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nói riêng hay bất kỳ dự thảo luật nào khác là điều nên làm bởi trẻ em trên danh nghĩa cũng là cá nhân, chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

TS. Trần Kiên - Đại học Luật, ĐHQGHN.

Tuy nhiên ông Kiên cho rằng “vấn đề đặt ra ở đây là cách làm, bao gồm cách tổ chức, cách đặt câu hỏi, cách phản ánh ý kiến của các em vào trong sáng quyền lập pháp”.

Bên cạnh đó, TS. Trần Kiên nhấn mạnh nên mở rộng việc lấy ý kiến các nhóm người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ; người khuyết tật; người không có quốc tịch, người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam; LGBT để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bởi đây là những nhóm bị tác động trực tiếp bởi Luật Đất đai (sửa đổi).

Mở rộng vấn đề, trong việc lấy ý kiến của các dự thảo Luật nói chung, vị chuyên gia cho rằng chúng ta cần tiếp thu tối đa ý kiến của đa dạng các thành phần đối tượng người dân chịu ảnh hưởng từ các điều chỉnh của Luật.

Bàn về giải pháp, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng có thể lấy ý kiến từ đối tượng trẻ em, nhưng nên thông qua các cơ sở giáo dục, các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể để ý kiến được tinh gọn, có ý nghĩa hơn.

Đồng thời, để có thể phát huy tinh thần toàn dân đóng góp ý kiến vào Luật Đất đai (sửa đổi) thì người dân nên chủ động nêu lên ý kiến, đóng góp của mình để có thể đạt kết quả đồng thuận xã hội, nâng cao ý thức pháp luật.

Trên cơ sở đó cũng nên kết hợp tham khảo ý kiến của các chuyên gia, những tầng lớp tinh hoa, tri thức để vừa phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân, vừa có tính chất lượng và hiệu quả.