Đối thoại

Tránh trường hợp “trăm hoa đua nở” trong khám chữa bệnh từ xa

Các chuyên gia cho rằng, người dân nên thay đổi thói quen đến bệnh viện để khám chữa bệnh mà có thể nhân sự tư vấn ngay tại nhà.

Hoạt động khám chữa bệnh từ xa càng được nhắc nhiều hơn trước bối cảnh đại dịch, bệnh nhân vẫn có thể tiếp cận với hệ thống y tế tuyến đầu, thăm khám bởi các bác sĩ có chuyên môn cao mà không cần phải gặp trực tiếp.

Sáng 30/12, IDG Việt Nam phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo Cấp cao về Y tế số 2021, Digital Healthcare Summit, dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế.

Chương trình diễn ra nhằm mục đích trao đổi về chuyển đổi số ngành y tế hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ y tế & chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Hội thảo bàn luận về xu hướng cũng như khó khăn trong chuyển đổi số y tế

Xu hướng dịch vụ y tế

Dịch vụ y tế ngày nay cũng không nằm ngoài lộ trình của sự thay đổi, điều này bắt nguồn từ nhu cầu của bệnh nhân, cũng như phát triển mạnh mẽ của công nghệ.

Trong phần trình bày của mình ông Khổng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Giải pháp y tế số, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel đã đưa ra bức tranh toàn cảnh của sự thay đổi trên.

Theo đó về góc độ cung ứng dịch vụ y tế hiện nay, trước tình hình dịch bệnh, cũng như xu hướng tương lai nên không thể trông chờ đến bệnh viện khám trực tiếp.

Trước sự dịch chuyển này, ông Đông đánh giá: “Các bệnh viện muốn duy trì hoạt động cần có các phòng khám bác sĩ gia đình, phòng khám từ xa” để từ đó thích ứng, phát triển.

Các mô hình bệnh viện cũng dần thay đổi từ mô hình bệnh viện truyền thống, mô hình bệnh viện thông minh, hiện nay là mô hình bệnh viện internet người dân có thể tự chăm sóc tại nhà.

Xu hướng hiên nay, từ xây bệnh viện khang trang, sạch sẽ chuyển sang bệnh viện toàn diện và chuyên sâu, y tế dự phòng.

Ông Khổng Văn Đông thông tin về xu hướng các dịch vụ y tế hiện nay

Ông Đông trăn trở rằng: “Việc chuyển đổi công nghệ đã nói đến nhiều, nhưng quan trọng phải biến chiếc tivi của các gia đình thành nơi thăm khám của bác sĩ”.

Bởi khi áp dụng khám bệnh từ xa giúp giảm chi phí, tích kiệm thời gian cho bệnh nhân. Theo thông tin ông Đông cung cấp, một bệnh nhân tại Hà Nội khám bệnh trực tiếp, thời gian chờ bằng 2,9 lần thời gian được sử dụng dịch vụ y tế.

Từ ví dụ trên có thể thấy nếu chúng ta thay đổi hoạt động trên, sẽ hạn chế lãng phí sức lao động, đảm bảo an toàn y tế, giảm các thủ tục không cần thiết.

Thay đổi thói quen khám chữa bệnh

Việc chuyển đổi số, khám bệnh từ xa có điều thiết yếu nhưng hiện nay việc triển khai vẫn còn nhỏ lẻ tại các bệnh viện, chưa thống nhất ở tất cả các địa phương.

Là một trong những bệnh viện triển khai từ sớm hoạt động chữa bệnh từ xa từ tháng 4/2020, PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã bày tỏ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo ông Hiếu mục đích khi triển khai hình thức khám chữa bệnh trên nhằm tạo ra niềm tin cho người dân đối với hệ thống y tế từ cấp cơ sở đến Trung ương. Bằng phương pháp này, người dân ở các vùng sâu vùng xa vẫn có thể được hỗ trợ chữa bệnh từ các bác sĩ ở tuyến đầu. Bên cạnh đó, đây cũng là bước đầu triển khai khám bệnh từ xa thông qua hệ thống telehealth, phòng khám chữa bệnh từ xa.

PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu đưa ra những khó khăn trong việc chữa bệnh từ xa

Nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, ông Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Trong quy định luật pháp hiện nay, chúng ta không có quy định chi trả lương cho các bác sĩ khám bệnh từ xa; quy định trách nhiệm pháp lý; quyền lợi của bác sĩ tham gia vào khám chữa bệnh chưa có hướng dẫn cụ thể”.

Điều này gây bất cập trong quá trình thăm khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân, chưa phân rõ trách nhiệm giữa bác sĩ ở địa phương và bác sĩ tham gia khám từ xa.

Bên cạnh đó, “100% chi phí khám chữa bệnh từ xa vẫn do bệnh nhân chi trả. Tuy nhiên trong chương trình telehealth ở bệnh viện Đại học Y hiện nay vẫn hoàn toàn miễn phí. Nhưng chúng ta cần có phương án  chi trả cho vấn đề này, bảo hiểm y tế cần tham gia vào hoạt động khám chữa bệnh từ xa”, ông Hiếu bày tỏ.

Thông tin tại hội thảo, thực tế hiện nay có rất nhiều bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa. Tuy nhiên, khó khăn nhất hệ thống không đồng bộ, ở các địa phương hiện nay vẫn sử dụng các thiết bị thế hệ cũ, đường truyền chậm nên khó để tiến hành khám chữa bệnh.

Trong phần trình bày, ông Nguyễn Lân Hiếu cung cấp hình ảnh các thiết bị y tế di động hiện đại 

Ông Hiếu đưa ra quan điểm cần có tiêu chuẩn thống nhất về mặt kỹ thuật để triển khai khám chữa bệnh từ xa.

Yếu tố kinh tế cũng là một rào cản trong quá trình triển khai khám chữa bệnh tại nhà, bởi hiện nay các thiết bị, phương tiện vẫn phải nhập khẩu, chi phí cao.

Chuyên gia mong muốn Việt Nam cần chú trọng phát triển không chỉ là phần mềm mà còn cần phát triển các thiết bị phần cứng.

Cái khó nữa đó là thay đổi thói quen của người dân, theo ông Hiếu: “Người dân vẫn mong muốn được gặp bác sĩ trực tiếp, nhưng hiện nay cần tạo thói quen chữa bệnh không nhìn thấy bác sĩ, đặc biệt trong mùa dịch, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo”.

Để làm được điều này việc theo dõi sức khỏe bằng sổ sức khỏe điện tử là cần thiết, nhưng cần thống nhất một hệ thống, ông Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ: “Tránh trường hợp “trăm hoa đua nở”, chú trọng liên kết giữa các bệnh viện để khi có ca bệnh nặng nhanh chóng chuyển được đến nơi phù hợp”.

Không chỉ về phía bệnh nhân mà ngay cả các bác sĩ cũng phải thay đổi. Ở đây là cách thức đào tạo bác sĩ, tổ chức các lớp học chuyên nghiệp, cấp chứng chỉ đào tạo liên tục bằng phương thức học tập trực tuyến.

Theo thông tin từ hội thảo, công cuộc chuyển đổi số của ngành y tế đã ghi nhận nhiều kết quả đáng chú ý như: 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, 100% văn bản tại Bộ Y tế đã được xử lý điện tử và áp dụng chữ ký số.

Bước đầu công khai hơn 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, hơn 93.000 kết quả đấu thầu, trên 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ y tế.