Chính sách

"Tránh trường hợp người nghèo không muốn thoát nghèo"

Theo nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ LĐTB&XH luôn có chính sách tốt hỗ trợ người nghèo, nhưng cần tránh trường hợp ỉ lại "không muốn thoát nghèo".

Nhiều kết quả nổi bật

Sáng 26/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động toàn ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, Bộ LĐTBXH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trong xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Quang cảnh hội nghị. 

Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng so với năm 2022.

Thu nhập của người lao động ổn định và tăng so với cùng kỳ năm 2022 (quý III năm 2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,9 triệu đồng, tăng 7,9% so với năm 2022).

Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.

Kết nối cung - cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm.

Ông Đào Ngọc Dung-Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. 

Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID-19, với khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong năm 2023, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6; trình hồ sơ đề nghị xây dựng Luật việc làm (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Chính phủ ban hành 06 nghị định, 01 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư.

Đặc biệt, Bộ đã tham mưu Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; trình Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được trú trọng. Đặc biệt, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp  theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. 

Các đại biểu dự hội nghị. 

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, hỗ trợ người có công với cáhc mạng; công tác chăm lo trẻ em; tiến độ bình đẳng giới đều được quantama trú trọng và có nhiều bước tiến so với năm 2022. 

Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế như: Chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện đại; vẫn tồn tại tình trạng xin lùi, rút văn bản hoặc chậm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật so với thời hạn được giao.

Việc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đối với đối tượng được thanh tra chưa được triển khai nhiều; tỷ lệ thu hồi tiền qua đôn đốc, xử lý thanh tra và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực người có công.

"Tránh trường hợp không muốn thoát nghèo"

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam đánh giá cao nhưng kết quả của đạt được của Bộ LĐTB&XH. Đặc biệt là vấn đề lao động việc làm, trong bối cảnh hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn kéo theo vấn đề việc làm cho người lao động luôn cấp bách, nhưng bằng những nỗ lực của ngành, tỷ lệ việc làm vẫn cao hơn 2022.

Bà cũng cho rằng, Bộ cần có những đề xuất với Chính phủ, đồng thời tập trung vào các vấn đề, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người có công với cách mạng. Tuy nhiên, cần tránh trường hợp “không muốn thoát nghèo”, bởi thực tế có nhiều người lợi dụng chính sách an sinh cho người nghèo mà ỉ lại vào nhà nước.

Tiếp theo là tập trung năng cao chất lượng lao động. “Hiện chúng ta có lực lượng lao động dồi dào, nhưng lao động thủ công là chính và chất lượng còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Bộ cũng cần nghiên cứu chính sách với lao động nghỉ hưu. Họ mới 55-60 tuổi, nghỉ hưu ở tuổi này là quyền lợi của người lao động, nhưng tôi rất là tiếc, nếu có thể có chính sách để tận dụng được nguồn lao động chất lượng cao này”, bà phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch hội khuyến học Việt Nam. 

Bên cạnh đó, với tư cách là Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, bà cho rằng, Bộ giáo dục & đào tạo cần nghiên cứu đưa chương trình hướng nghiệp vào nhà trường một cách bài bản hơn. Hiện nay, mới chỉ dừng ở việc tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp. Việc đưa chương trình hướng nghiệp bài bản sẽ tạo định hướng tốt cho học sinh, sinh viên và các chương trình lao động việc làm của Bộ LĐTB&XH.

Tại hội nghị, thông qua báo cáo trực tuyến, lãnh đạo nhiều địa phương trên cả nước đã có những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc còn tồn tại tới các đại biểu. Sau khi lắng nghe, lãnh đạo Bộ sẽ có ý kiến chỉ đạo cụ thể tới từng địa phương. 

Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục tập trung phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện quyết liệt các khâu đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội đối với người có công, quan tâm đời sống người nghèo, người gặp khó khăn, thu nhập thấp; thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Từ đó cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể mà Quốc hội, Chính phủ giao như: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%...