Giáo dục

Tránh mất điểm oan môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT 2022

Với nội dung tập trung vào lớp 12, các thí sinh vẫn cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản mới có thể đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Để đạt điểm cao môn Tiếng Anh, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Giáo viên môn Tiếng Anh hệ thống Giáo dục HOCMAI đưa ra chiến thuật làm bài thi cho các em học sinh cần nắm chắc cấu trúc đề, ôn thật kĩ từng dạng câu hỏi theo chuyên đề giống với đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT, và chú ý độ khó của từng dạng bài.

Với dạng bài trọng âm, phát âm, các câu hỏi hoàn thành câu thuộc dạng bài ngữ pháp, câu hỏi chức năng giao tiếp, tìm câu đồng nghĩa, sửa lỗi sai… đa phần các câu hỏi đều ở dạng nhận biết- thông hiểu, các câu hỏi khó hơn và mang tính phân loại học sinh nằm ở câu hỏi từ vựng nâng cao, cụm từ, thành ngữ và các câu hỏi mang tính suy luận của dạng bài đọc hiểu, đọc điền.

Bài đọc hiểu và đọc điền vốn là 2 dạng bài gây khó khăn nhất cho các em học sinh thi môn Tiếng Anh, lời khuyên của cô là hãy làm thật chính xác và hiệu quả về mặt thời gian cho những dạng bài còn lại trước, từ đó mình có thêm nhiều thời gian hơn cho 2 dạng bài này.

Bên cạnh đó, thầy giáo Phạm Trọng Hiếu, Giáo viên môn Tiếng Anh hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng lưu ý học sinh nên tập trung vào các kiến thức cơ bản để xử lý các câu dễ trước, như phần trọng âm, phát âm. Đối với dạng bài đọc hiểu, nên tập trung xử lý các câu chứa tên riêng, viết hoa, con số,... do dễ "định vị" được đoạn thông tin trong bài đọc để trả lời câu hỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Giáo viên môn Tiếng Anh hệ thống Giáo dục HOCMAI

Lưu ý các kiến thức trọng tâm với tổ hợp KHXH

Đưa ra lời khuyên với môn Lịch Sử, cô giáo Trần Vân Anh, Giáo viên môn Lịch sử hệ thống Giáo dục HOCMAI bày tỏ đề có 4 cấp độ câu hỏi: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao. Nếu mong muốn 7 - 8 điểm, các em nên tập trung vào kiến thức trọng tâm và hiểu kiến thức đó trong bài.

Để đạt được điểm cao hơn, cần liên hệ, kết nối giữa các phần kiến thức khác nhau trong bài và liên hệ kiến thức liên quan đến đời sống thực. Tuy nhiên cần, làm chắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, tận dụng thời gian hợp lý.

Với môn Giáo dục công dân (GDCD), thầy giáo Trần Văn Năng, giáo viên môn GDCD  trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam nhận định đây là môn học tương đối dễ chịu và dễ giành điểm cao trong các môn thi; nó là cứu cánh cho các môn khác khi xét tốt nghiệp.

Vì vậy làm thế nào để đạt điểm cao đối với môn học này thì các em lưu ý cho thầy mấy điểm sau. Thứ nhất là ôn thi bám sát đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Thứ hai là ôn tất cả các bài trong đề thi tham khảo nhưng tập trung vào các bài có nhiều câu hỏi sẽ xuất hiện trong đề thi như bài 2, 4, 6, 7, 8 lớp 12.

Các sĩ tử sẽ bắt đầu môn thi vào ngày mai (6/7)

Cuối cùng, trước thời gian ít ỏi, các em nên xem lại bài trước ngày thi nên tập trung vào kiến thức, kỹ năng cơ bản, có thể vẽ sơ đồ tư duy, sơ đồ cây hoặc bảng biểu, đọc thông tin và thực hành trên Atlas.

Đối với các môn trắc nghiệm, có thể dành thời gian làm lại các đề đã được luyện tập để củng cố các dạng bài, câu hỏi mà mình chắc chắn, làm lại các phần mình còn nhầm lẫn; đối với môn tự luận có thể ghi lại cấu trúc dàn ý của đề bài.

Với học sinh chỉ thi tốt nghiệp có thể tập trung vào môn mình học tốt nhất để nâng điểm cao hơn ở các môn thi này, và chú ý ôn tập các môn mình chưa tốt để tránh trường hợp bị điểm liệt.

Tuy nhiên, với học sinh sử dụng kết quả các môn thì để xét tuyển đại học cần chú trọng đầu tư vào tổ hợp môn xét tuyển đại học, các môn khác có thể ở mức trung bình, đủ để xét tốt nghiệp.

Quan trọng là không được để điểm liệt, hay vi phạm quy chế thi hoặc vì lý do nào đó bỏ thi, trừ trường hợp bất khả kháng ngoài khả năng kiểm soát của các em, như cấp cứu, bệnh dịch.